Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024
Trong 9 tháng đầu năm 2024, dù kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan, là cơ hội thuận lợi để phát triển, song tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề. Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Đặc biệt, căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông làm tăng chi phí sản xuất, nhất là chi phí vận tải, chi phí giá năng lượng, giá lương thực và nhiều nguyên liệu đầu vào. Trong nước, kinh tế Việt Nam tiếp đà phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng trong tháng Chín đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và sản xuất, kinh doanh tại các địa phương miền Bắc.
Tình hình thế giới và trong nước cũng ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành đã theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời có giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng tâm, quan trọng của quốc gia. Tổ chức thành công các sự kiện văn hóa - xã hội, sự kiện quan trọng góp phần thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ. Hướng dẫn, đôn đốc phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo khung thời vụ. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả. Dưới đây là kết quả chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội tháng Chín và 9 tháng đầu năm 2024:
1. Các chỉ tiêu tổng hợp[1]
1.1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 41.384,2 tỷ đồng, tăng 8,45% so với 9 tháng năm 2023. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) đạt 3.466,2 tỷ đồng, tăng 3,0%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế; khu vực II (công nghiệp - xây dựng) đạt 14.390,1 tỷ đồng, tăng 10,77% đóng góp 3,67 điểm phần trăm (riêng công nghiệp ước đạt 10.971,4 tỷ đồng, tăng 11,09%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm); khu vực III (dịch vụ) đạt 16.242,8 tỷ đồng, tăng 9,43%, đóng góp 3,67 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 7.285,1 tỷ đồng, tăng 4,69% đóng góp 0,85 điểm phần trăm.
1.2. Cơ cấu kinh tế
Cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. GRDP của tỉnh 9 tháng đầu năm 2024 (theo giá hiện hành) ước tính đạt 71.099,4 tỷ đồng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 6.026,1 tỷ đồng, chiếm 8,48%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 24.495,3 tỷ đồng chiếm 34,45%; khu vực dịch vụ đạt 29.310,4 tỷ đồng, chiếm 41,22%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) đạt 11.267,6 tỷ đồng, chiếm 15,85%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 mặc dù có những khó khăn, bất lợi do ảnh hưởng của thời tiết nhưng vẫn phát triển ổn định, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra. Dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát tốt; công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng tiếp tục được quan tâm; sản xuất thủy sản phát triển khá, không phát sinh dịch bệnh. Ngành Nông nghiệp tích cực ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ tiếp tục phát huy hiệu quả.
2.1. Nông nghiệp
2.1.1. Trồng trọt
Do ảnh hưởng của thời tiết nên sản xuất trồng trọt trong 9 tháng đầu năm còn gặp khó khăn, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong tháng Một làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng vụ Xuân, vụ Mùa năm 2024 gặp mưa lớn từ đầu vụ gây ngập úng một số diện tích lúa đã cấy và bão số 3 đã làm nhiều diện tích lúa bị đổ, ngã, hoa màu bị dập nát ảnh hưởng đến năng suất các loại cây trồng trong vụ.
a) Sản xuất vụ Mùa: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa năm 2024 đạt 36,7 nghìn ha, giảm 0,1% (- 0,04 nghìn ha) so với cùng vụ năm trước. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt ước đạt 32,4 nghìn ha, tăng 0,1% (+ 0,04 nghìn ha).
Diện tích gieo cấy lúa vụ Mùa năm nay đạt 31,2 nghìn ha, tăng 0,1% (+ 0,05 nghìn ha) so với vụ Mùa năm trước. Tính đến 25/9/2024, toàn tỉnh có 17,4 nghìn ha lúa đã trỗ, bằng 55,8% diện tích lúa đã cấy; diện tích lúa thu hoạch đạt 2,1 nghìn ha tập trung chủ yếu ở huyện Nho Quan và huyện Yên Mô. Diện tích gieo trồng ngô vụ Mùa đạt 1,2 nghìn ha, giảm 0,5%; cây lạc đạt 0,2 nghìn ha, giảm 2,3%; rau các loại đạt 1,9 nghìn ha, giảm 3,6%; đậu, đỗ các loại đạt 0,3 nghìn ha, giảm 7,2%;...
Tình hình sâu bệnh: Đến ngày 25/9/204, toàn tỉnh hiện có 4.900 ha lúa bị nhiễm khô vằn, trong đó 350 ha nhiễm nặng, diện tích phòng trừ được 4.200 ha; 180 ha bị bạc lá, trong đó 10 ha nhiễm nặng, diện tích phòng trừ được 100 ha; 5.080 ha bị sâu cuốn lá nhỏ, trong đó 530 ha nhiễm nặng, diện tích phòng trừ được 30 ha ...
Các địa phương tiếp tục theo dõi, bám sát đồng ruộng, tập trung thu hoạch những diện tích lúa chín; chủ động điều tiết nước, kiểm tra, phát hiện sớm các đối tượng dịch hại, đặc biệt là sự bùng phát của sâu bệnh hại như rầy nâu, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn... sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, đảm bảo năng suất cuối vụ.
b) Kết quả 9 tháng đầu năm 2024
Cây hàng năm: Diện tích gieo trồng cây hàng năm đến nay đạt 91,0 nghìn ha, giảm 0,5% (- 0,5 nghìn ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cây lúa đạt 70,8 nghìn ha, giảm 0,1% (- 0,04 nghìn ha); cây ngô đạt 4,3 nghìn ha, giảm 0,1% (- 4,0 ha); cây khoai lang 0,7 nghìn ha, giảm 14,1% (- 0,1 nghìn ha); cây lạc 2,0 nghìn ha, giảm 7,4% (- 0,2 nghìn ha); cây rau các loại đạt 8,9 nghìn ha, giảm 3,0% (- 0,3 nghìn ha)...
Sản lượng cây trồng: Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng lúa ước đạt 269,8 nghìn tấn, giảm 0,1% (- 0,1 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng lúa vụ Đông Xuân đạt 264,4 nghìn tấn, sản lượng lúa tái sinh ước đạt 5,4 nghìn tấn; sản lượng ngô đạt 12,5 nghìn tấn, tăng 2,8% (+ 0,3 nghìn tấn); sản lượng rau các loại ước đạt 161,0 nghìn tấn, giảm 4,9% (- 8,3 nghìn tấn)...
Cây lâu năm: Diện tích cây lâu năm hiện có đến thời điểm báo cáo ước đạt trên 7,6 nghìn ha, tăng 0,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó diện tích cây ăn quả ước đạt 6,9 nghìn ha, tăng 0,6%. Các loại cây ăn quả có diện tích tăng so với cùng kỳ năm trước là cây dứa gần 3,4 nghìn ha, tăng 0,6%; cây chuối 1,1 nghìn ha, tăng 1,6%; cây na 0,6 nghìn ha, tăng 0,8%; cây mít 0,1 nghìn ha, tăng 1,6%...
Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng cây ăn quả ước đạt 95,6 nghìn tấn, tăng 0,6% (+ 0,5 nghìn tấn); trong đó sản lượng dứa ước đạt 59,8 nghìn tấn, tăng 0,2% (+ 0,1 nghìn tấn) chiếm 62,6% tổng sản lượng cây ăn quả của tỉnh; sản lượng chuối đạt 17,0 nghìn tấn, tăng 1,4% (+ 0,2 nghìn tấn); sản lượng na ước đạt 3,6 nghìn tấn, tăng 1,7% (+ 0,06 nghìn tấn)...
2.1.2. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm phát triển thuận lợi, công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện do đó dịch bệnh được khống chế kịp thời, góp phần ổn định sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Giá bán các sản phẩm chăn nuôi đã từng bước được cải thiện, giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn, các cơ sở chăn nuôi yên tâm tái đàn để cung cấp thực phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tại thời điểm báo cáo, tổng đàn trâu, bò ước đạt 48,4 nghìn con, giảm 0,1% (- 0,07 nghìn con) so với cùng thời điểm năm trước, trong đó: Đàn trâu đạt 12,9 nghìn con, giảm 0,7% (- 0,09 nghìn con); đàn bò đạt 35,5 nghìn con, tăng 0,1% (+ 0,02 nghìn con); đàn lợn ước đạt 291,5 nghìn con, tăng 3,6% (+ 10,2 nghìn con); đàn gia cầm ước đạt 6,7 triệu con, tăng 5,0% (+ 0,3 triệu con), trong đó, đàn gà ước đạt 4,6 triệu con, tăng 5,6% (+ 0,2 triệu con).
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 9 tháng đầu năm ước đạt 52,5 nghìn tấn, tăng 5,9% (+ 2,9 nghìn tấn), trong đó: Thịt trâu hơi ước đạt 0,8 nghìn tấn, tăng 1,5% (+ 0,01 nghìn tấn); thịt bò hơi ước đạt 2,1 nghìn tấn, tăng 1,9% (+ 0,04 nghìn tấn); thịt lợn hơi ước đạt 35,7 nghìn tấn, tăng 6,2% (+ 2,1 nghìn tấn); thịt gia cầm hơi ước đạt 12,3 nghìn tấn, tăng 6,1% (+ 0,7 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước... Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 135,2 triệu quả, tăng 4,2% (+ 5,5 triệu quả) so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình dịch bệnh: Trong 9 tháng đầu năm dịch bệnh trên đàn trâu bò tiếp tục được kiểm soát tốt, không xuất hiện các ổ dịch truyền nhiễm. Bệnh cúm gia cầm xuất hiện rải rác tại 02 xã của huyện Yên Mô nhưng đã được kiểm soát trong quý I, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Dịch tả lợn Châu Phi vẫn xuất hiện ở các địa phương trong tỉnh nhưng đến ngày 27/9/2024, toàn tỉnh không còn ổ dịch nào. Dịch bệnh được kiểm soát, thuận lợi cho công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi. Lũy kế số lượng lợn tiêu hủy từ đầu năm đến ngày 27/9/2024 là 922 con, trọng lượng tiêu hủy trên 48,0 tấn. Hiện nay, các địa phương thực hiện đồng loạt tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường sau bão số 3 để phòng, chống dịch bệnh và đôn đốc công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu Đông năm 2024.
2.2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp 9 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào công tác trồng rừng, trồng cây phân tán và chăm sóc rừng ở các địa phương, đồng thời duy trì các biện pháp bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Trong tháng, do thời tiết mưa, bão nên cũng ảnh hưởng đến công tác trồng rừng vụ Thu Đông. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng Chín ước đạt 25 ha, chỉ bằng 47,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2,4 nghìn m3, tăng 2,6% (+ 0,06 nghìn m3); sản lượng củi ước đạt 2,2 nghìn ste, tăng 2,8% (+ 0,06 nghìn ste); số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 83,0 nghìn cây, tăng 5,1% (+ 4,0 nghìn cây).
Tính chung lại, 9 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh ước đạt 245,9 ha, tăng 0,4% (+ 1,1 ha) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 19,7 nghìn m3, tăng 2,1% (+ 0,4 nghìn m3); sản lượng củi khai thác ước đạt 17,8 nghìn ste, tăng 1,1% (+ 0,2 nghìn ste); số cây trồng phân tán ước đạt 691,4 nghìn cây, tăng 2,8% (+ 19,1 nghìn cây). Trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
2.3. Thủy sản
Sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 phát triển trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các đối tượng nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Trong những ngày đầu tháng Chín, do thời tiết mưa, bão làm khoảng 3.200 ha diện tích nuôi thủy sản bị ảnh hưởng. Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ngay khi nước rút, UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo các hộ nuôi và huy động các tổ chức đoàn thể vệ sinh môi trường các vùng nuôi; gia cố bờ bao, thả bổ sung giống vào các ao, đầm để đảm bảo mật độ nuôi thả.
Thị trường tiêu thụ thuỷ sản từ đầu năm đến nay có nhiều thuận lợi, cơ cấu sản xuất đa dạng. Bên cạnh các đối tượng truyền thống, các đối tượng đặc sản như chạch sụn, tôm càng xanh, baba, ếch, ốc hương,... tiếp tục phát triển mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định.
Sản lượng thủy sản tháng Chín ước đạt 6,3 nghìn tấn, tăng 0,5% (+ 0,03 nghìn tấn) so với cùng tháng năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 5,5 nghìn tấn, tăng 0,4% (+ 0,02 nghìn tấn), sản lượng khai thác ước đạt 0,8 nghìn tấn, tăng 0,9% (+ 0,01 nghìn tấn).
Sản lượng thuỷ sản 9 tháng đầu năm ước đạt 53,9 nghìn tấn, tăng 4,1% (+ 2,1 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Sản lượng nuôi trồng đạt 47,9 nghìn tấn, tăng 4,1% (+ 1,9 nghìn tấn); sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 6,0 nghìn tấn, tăng 4,1% (+ 0,2 nghìn tấn). Sản lượng cá ước đạt 28,1 nghìn tấn, tăng 3,5% (+ 1,0 nghìn tấn); sản lượng tôm ước đạt 3,5 nghìn tấn, tăng 12,6% (+ 0,4 nghìn tấn); sản lượng thuỷ sản khác ước đạt 22,3 nghìn tấn, tăng 3,5% (+ 0,7 nghìn tấn).
3. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng Chín tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng so với tháng trước cũng như so với tháng 9/2023. Tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng Chín năm nay ước tính tăng 13,73% so với cùng tháng năm 2023, trong đó khai khoáng tăng 6,10%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,23%; sản xuất phân phối điện tăng 4,09%; cung cấp nước, hoạt động quả lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,36%.
Tính chung lại 9 tháng đầu năm 2024, IIP toàn tỉnh tăng 11,92%, trong đó ngành khai khoáng tăng 15,62%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%; sản xuất và phân phối điện tăng 27,57% (nguyên nhân tăng cao là do năm 2023 Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình tạm ngừng hoạt động đến hết ngày 19/4/2023 để chờ quyết định phê duyệt cơ chế vận hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,91%. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao, góp phần vào tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp như: Sản xuất xe có động cơ tăng 15,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác gấp 3,2 lần; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 26,35%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 25,41%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy gấp 2,5 lần…
Giá trị sản xuất (tính theo giá so sánh 2010): Giá trị sản xuất công nghiệp tháng Chín toàn tỉnh ước đạt 8.895,3 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng tháng năm trước. Trong đó: Khai khoáng ước đạt 133,5 tỷ đồng, tăng 7,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo 8.643,0 tỷ đồng, tăng 12,4%; sản xuất và phân phối điện 95,0 tỷ đồng, tăng 9,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 23,8 tỷ đồng, tăng 1,4%.
Tính chung lại, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 74.455,6 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: khai khoáng đạt 894,3 tỷ đồng, tăng 17,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 72.526,6 tỷ đồng, tăng 9,2%; sản xuất và phân phối điện đạt 872,5 tỷ đồng, tăng 24,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 162,2 tỷ đồng, tăng 5,9%.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Trong tháng Chín năm 2024 một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức sản xuất tăng khá so với cùng tháng năm trước là: Đá các loại 0,3 triệu m3, tăng 6,1%; ngô ngọt đóng hộp 0,2 nghìn tấn, tăng 15,9%; thức ăn gia súc 2,1 nghìn tấn, tăng 10,3%; nước khoáng không có ga 0,5 triệu lít, tăng 33,0%; quần áo các loại 5.2 triệu sản phẩm, tăng 8,1%; giày dép các loại 6,3 triệu đôi, tăng 37,0%; phân urê 44,8 nghìn tấn, tăng 61,7%; phân NPK 9,5 nghìn tấn, tăng 75,9%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 4,8 nghìn chiếc, tăng 40,4%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 23,6 nghìn chiếc, tăng 51,3%; đồ chơi hình con vật 2,7 triệu con, tăng 17,5%; điện thương phẩm 0,3 tỷ Kwh, tăng 19,6%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: Dứa đóng hộp 0,9 nghìn tấn, giảm 33,5%; hàng thêu 99,3 nghìn m2, giảm 65,3%; phân lân nung chảy 11,1 nghìn tấn, giảm 28,4%; linh kiện điện tử 9,0 triệu cái, giảm 7,2%; modul camera 18,3 triệu cái, giảm 2,1%; tai nghe điện thoại di động 3,0 nghìn cái, giảm 96,6%; kính máy ảnh 0,2 triệu cái, giảm 4,8%; xe ô tô chở hàng 0,5 nghìn chiếc, giảm 27,0%; cần gạt nước ô tô 0,3 triệu cái, giảm 12,7%; điện sản xuất 50,7 triệu Kwh, giảm 7,3%;...
Tính chung lại, 9 tháng đầu năm 2024 các sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm 2023 là: Đá các loại 3,1 triệu m3, tăng 14,8%; giày dép các loại 51,0 triệu đôi, tăng 22,0%; phân urê 0,4 triệu tấn, tăng 26,8%; phân NPK 95,0 nghìn tấn, tăng 62,4%; phân lân nung chảy 0,2 triệu tấn, tăng 45,2%; kính máy ảnh 1,8 triệu cái, tăng 17,9%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 36,0 nghìn chiếc, tăng 14,0%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 0,2 triệu chiếc, tăng 23,4%; cần gạt nước ô tô 4,2 triệu cái, tăng 12,3%; đồ chơi hình con vật 22,8 triệu con, tăng 62,6%; điện sản xuất 0,6 tỷ Kwh, tăng 36,2%; điện thương phẩm 2,1 tỷ Kwh, tăng 16,6%;...
Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút là: Dứa đóng hộp 7,4 nghìn tấn, giảm 3,5%; thức ăn gia súc 19,6 nghìn tấn, giảm 14,8%; hàng thêu 0,7 triệu m2, giảm 50,8%; quần áo các loại 42,1 triệu cái, giảm 8,2%; xi măng (kể cả clanke) 4,8 triệu tấn, giảm 4,1%; linh kiện điện tử 81,1 triệu cái, giảm 2,5%; modul camera 130,1 triệu cái, giảm 21,3%; tai nghe điện thoại di động 0,4 triệu cái, giảm 77,7%; búp bê 152,3 triệu con, giảm 15,1%;...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2024 tăng 6,77% so với tháng trước và tăng 31,73% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,88% so với 9 tháng 2023.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2024 tăng 2,83% so với tháng trước và giảm 6,69% so với cùng thời điểm năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng Chín tăng 0,72% so với tháng trước và tăng 7,34% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp toàn tỉnh tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh nghiệp Nhà nước tăng 6,22%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 1,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,25%.
4. Vốn đầu tư thực hiện
Tổng vốn đầu tư thực hiện trong tháng Chín năm nay toàn tỉnh ước đạt 2.941,8 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng tháng năm 2023. Chia ra: Vốn Nhà nước đạt 585,8 tỷ đồng, tăng 3,4%; vốn ngoài Nhà nước đạt 2.242,3 tỷ đồng, tăng 4,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 113,7 tỷ đồng, giảm 30,1%.
Tính chung lại, tổng vốn đầu tư thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 23.900,7 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Vốn Nhà nước đạt 4.612,7 tỷ đồng, tăng 2,3%; vốn ngoài Nhà nước đạt 17.923,6 tỷ đồng, tăng 0,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.364,4 tỷ đồng, tăng 22,2%.
Khối lượng vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2024 tập trung ở một số công trình, dự án như:
- Khu vực đầu tư công: Dự án xây dựng CSHT khu du lịch sinh thái Tràng An và các dự án thành phần ước đạt 347 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1) ước đạt 276,7 tỷ đồng; dự án xây dựng trường Đại học Hoa Lư (giai đoạn 2) ước đạt 113,2 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 và kết nối quốc lộ 10 với quốc lộ 12B ước đạt 111,3 tỷ đồng; dự án nâng cấp tuyến đường chính vào khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình (giai đoạn 2) ước đạt 84,3 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân ước đạt 76,8 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 2) ước đạt 72,4 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1) ước đạt 64,2 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 12B đến trung tâm thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn ước đạt 59,1 tỷ đồng;…
- Khu vực sử dụng vốn ODA: Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ - Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ước đạt 152,2 tỷ đồng.
- Khu vực doanh nghiệp Nhà nước: Các dự án xây dựng, sửa chữa công trình điện, mua sắm máy móc, thiết bị của Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình ước đạt trên 99,3 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình ước đạt trên 32,5 tỷ đồng; dự án nâng cấp sửa chữa TSCĐ của Công Ty TNHH MTV Công Nghiệp Hoá Chất Mỏ Bắc Trung Bộ ước đạt gần 10,4 tỷ đồng;…
- Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước: Dự án sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng của Công ty Cổ phần Đầu tư PV-Inconess Ninh Bình ước đạt gần 63 tỷ đồng; dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình ước đạt gần 44,7 tỷ đồng; các dự án xây dựng mạng lưới đường ống cấp nước của Công ty Cổ phần Cấp thoát Nước Ninh Bình ước đạt gần 31,1 tỷ đồng;…
- Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Dự án xây dựng nhà xưởng, mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất camera module của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 405,6 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất giày của Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam ước đạt gần 132,5 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy sản xuất các công cụ, dụng cụ cao cấp CIBON Ninh Bình của Công ty TNHH công nghiệp CIBON Việt Nam ước đạt gần 110,7 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị sản xuất hàng may mặc của Công ty TNHH Great Global International ước đạt trên 104,5 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất giày và khu nhà ký túc xá của Công ty TNHH Ever great International ước đạt 81,5 tỷ đồng;...
5. Thương mại, dịch vụ
Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2024 diễn ra sôi động, hoạt động du lịch phát triển mạnh kéo theo các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng cao, hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi tích cực, hoạt động vận tải tăng khá, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.
5.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường toàn tỉnh trong tháng Chín ước đạt trên 6.641,7 tỷ đồng, tăng 24,5% so với tháng 9/2023.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện gần 59.077,3 tỷ đồng, tăng 25,9% so với 9 tháng năm 2023. Tất cả các nhóm hàng đều có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó một số nhóm có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Lương thực, thực phẩm 22.111,9 tỷ đồng, tăng 28,2%; hàng may mặc 2.979,8 tỷ đồng, tăng 32,2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục 366,1 tỷ đồng, tăng 49,4%; gỗ và vật liệu xây dựng 13.319,4 tỷ đồng, tăng 28,2%; xăng, dầu các loại 5.647,4 tỷ đồng, tăng 28,3%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 529,0 tỷ đồng, tăng 35,9%; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 2.822,6 tỷ đồng, tăng 36,0%; hàng hóa khác 833,2 tỷ đồng, tăng 41,7%.
Trong thời gian qua, với việc định hướng phát triển du lịch một cách bền vững, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã luôn chú trọng việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đổi mới các tuyến du lịch tạo nên diện mạo mới đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách. Vì thế, lượng du khách đến với Ninh Bình tăng cao trong thời gian qua góp phần làm tăng doanh thu của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Trong tháng Chín, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống toàn tỉnh ước đạt 794,1 tỷ đồng, tăng 32,1% so với tháng 9/2023; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 38,4% (do tháng Chín ảnh hưởng của bão số 3 và mưa bão sau lũ nên nhu cầu đi du lịch của người dân giảm); doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt 515,1 tỷ đồng, tăng 13,6%. Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 7.012,4 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu du lịch lữ hành 82,2 tỷ đồng, tăng 73,9%, doanh thu một số ngành dịch vụ khác 4.574,1 tỷ đồng, tăng 12,7%.
5.2. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng: Tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tăng, chỉ số giá tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ chung trên địa bàn tỉnh (CPI) trong tháng Chín ghi nhận mức tăng nhẹ 0,01% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tăng 2,71% và so với cùng tháng năm trước tăng 2,86%. Bình quân chín tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,27% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,01% của CPI tháng 9/2024 so với tháng trước, có 05 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 05 nhóm có chỉ số giá ổn định, duy nhất có 01 nhóm có chỉ số giá giảm. Năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với mức 0,52%, trong đó: Lương thực tăng 0,98% do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu (chỉ số nhóm giá gạo tăng 1,49%: gạo tẻ thường tăng 1,86%; gạo tẻ ngon tăng 1,33%); thực phẩm tăng 0,65% chủ yếu do tác động của giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 4,41%, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và mưa, lũ sau bão nhiều diện tích rau, màu bị thiệt hại ngập, úng dẫn đến nguồn cung rau tươi sụt giảm, giá các loại rau, củ, quả đồng loạt tăng (bắp cải tăng 10,08%, cà chua tăng 13,54%, khoai tây tăng 8,98%, rau muống tăng 4,21%, đỗ quả tươi tăng 3,65%); ăn uống ngoài gia đìnhgiữ ổn định. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,3% do giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 2,02% và giá điện sinh hoạt bình quân tăng 0,65%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04% và nhóm giáo dục tăng 0,01%. Năm nhóm giữ chỉ số giá ổn định gồm: Nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch. Duy nhất nhóm giao thông có chỉ số giá giảm 2,85% do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm trong tháng theo giá xăng, dầu thế giới: Giá xăng giảm 7,35%, giá dầu diezel giảm 8,74% kéo theo giá nhóm nhiên liệu giảm 7,19% cùng với giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 1,4% khi nhu cầu đi lại của người dân giảm (vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 2,17%, vận tải hành khách bằng đường hàng không giảm 14,66%).
CPI bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 4,27% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Tất cả 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đều có chỉ số giá tăng, cụ thể: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,3% (lương thực tăng 17,82%, thực phẩm tăng 5,32%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,16%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 5,65%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,41%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,63%; nhóm giao thông tăng 0,78%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,06%; nhóm giáo dục tăng 2,57%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,29% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,29%.
Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ: Giá vàng trong nước cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng Chín tăng 2,0% so với tháng trước, tăng 27,18% so với tháng 12/2023 và tăng 36,82% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng này giảm 1,63% so với tháng 8/2024, tăng 2,44% so với tháng 12 năm trước và tăng 3,29% so với tháng 9/2023. Bình quân 9 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 29,26%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,52% so với bình quân 9 tháng năm 2023.
5.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế, củng cố, nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm mở rộng những thị trường mới, thị trường tiềm năng. Vì thế, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Xuất khẩu: Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh trong tháng Chín ước thực hiện 301,9 triệu USD, tăng 9,7% so với tháng Chín năm 2023.
Trong 9 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh ước đạt trên 2.606,7 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Giày, dép các loại ước đạt 756,0 triệu USD; camera và linh kiện 563,9 triệu USD; xi măng và clanke 417,5 triệu USD; quần áo các loại 259,2 triệu USD; linh kiện điện tử 111,6 triệu USD, linh kiện phụ tùng ô tô các loại 108,5 triệu USD...
Chín tháng năm nay, một số mặt hàng có mức xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ như: Hàng thêu ren 157,9 nghìn chiếc, tăng 38,9%; giày, dép các loại 51,8 triệu đôi, tăng 21,4%; kính quang học 1,8 triệu chiếc, tăng 16,6%; linh kiện điện tử 111,6 triệu USD, tăng 29,4%; đồ chơi trẻ em 14,2 triệu con, tăng 73,5%; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 108,5 triệu USD, tăng 57,9%; túi nhựa 1,7 nghìn tấn, tăng 87,1%; sản phẩm cói khác 1,2 triệu sản phẩm, tăng 20,1%... Tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu lại giảm sút so với cùng kỳ như: Dứa, dưa chuột đóng hộp 7,0 nghìn tấn, giảm 8,7%; nước dứa cô đặc 1,4 nghìn tấn, giảm 13,8%; thảm cói 42,6 nghìn m2, giảm 51,4%; xi măng và clanke 10,3 triệu tấn, giảm 21,0%; phân urê 39,8 nghìn tấn, giảm 1,6%... Riêng mặt hàng camera và linh kiện sản lượng giảm 18,3%, tuy nhiên giá trị xuất khẩu tăng 7,8%.
Nhập khẩu: Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trong tháng Chín ước thực hiện 292,4 triệu USD, tăng 27,5% so với cùng tháng năm 2023.
Tính chung lại, 9 tháng đầu năm nay tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 2.379,6 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá các nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện phụ tùng ô tô các loại 709,5 triệu USD; linh kiện điện tử 640,9 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 484,0 triệu USD; vải may mặc các loại 114,2 triệu USD; ô tô 40,7 triệu USD.
5.4. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách: Trong tháng Chín, các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh ước vận chuyển gần 4,1 triệu lượt khách, tăng 9,5% và luân chuyển gần 188,6 triệu lượt khách.km, tăng 5,4% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách toàn tỉnh ước đạt trên 39,0 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 21,2% so với 9 tháng 2023 và luân chuyển trên 1.813,1 triệu lượt khách.km, tăng 17,9%, đạt 80,3% kế hoạch năm. Trong đó: Vận tải đường bộ ước đạt 31,1 triệu lượt khách, tăng 22,1% và 1.782,5 triệu lượt khách.km, tăng 17,9%; vận tải đường thủy nội địa 7,9 triệu lượt khách, tăng 17,9% và 30,6 triệu lượt khách.km, tăng 16,1%.
Vận tải hàng hóa: Thực hiện trong tháng Chín ước đạt gần 13,2 triệu tấn vận chuyển, tăng 5,4% và luân chuyển trên 1.798,4 triệu tấn.km, tăng 7,3% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển của tỉnh ước đạt trên 126,3 triệu tấn, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải đường bộ ước đạt 45,9 triệu tấn, tăng 21,2%; vận tải đường thủy nội địa 71,8 triệu tấn, tăng 21,2%; vận tải đường biển 8,6 triệu tấn, tăng 28,3%. Khối lượng luân chuyển hàng hóa 9 tháng ước thực hiện gần 16.942,6 triệu tấn.km, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, và đạt 115,1% kế hoạch năm. Trong đó: Vận tải đường bộ ước đạt 1.882,5 triệu tấn.km, tăng 19,5%; vận tải đường thủy nội địa 10.412,4 triệu tấn.km, tăng 20,7%; vận tải đường biển 4.647,7 triệu tấn.km, tăng 27,5%.
Doanh thu vận tải: Ước thực hiện trong tháng Chín trên 1.583,4 tỷ đồng, tăng 7,3%. Trong 9 tháng năm nay, doanh thu hoạt động vận tải toàn tỉnh ước đạt gần 14.968,8 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Phân theo loại hình vận tải: Vận tải hành khách ước thực hiện 1.815,9 tỷ đồng, tăng 20,0%, đạt 75,8% kế hoạch năm; vận tải hàng hóa 11.649,3 tỷ đồng, tăng 20,9%, đạt 96,2% kế hoạch năm; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải 1.405,1 tỷ đồng, tăng 19,5%; doanh thu bưu chính, chuyển phát 98,5 tỷ đồng, tăng 14,8%.
5.5. Hoạt động du lịch
Phát triển du lịch một cách bài bản, có chiến lược, Ninh Bình tiếp tục khẳng định là điểm đến hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước khi liên tục được xếp Top cao trong danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín. Trong năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong "Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông" và lọt vào “Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới”. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đổi mới các tuyến du lịch tạo nên diện mạo mới đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của đông đảo du khách.
Ước tính số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng Chín đạt trên 414,7 nghìn lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: Khách trong nước 338,4 nghìn lượt, tăng 14,1%; khách quốc tế 76,3 nghìn lượt, gấp 2,2 lần. Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 122,0 nghìn lượt khách, tăng 3,5%; số ngày khách lưu trú ước đạt 146,8 nghìn ngày khách, giảm 5,5%. Doanh thu du lịch trong tháng ước đạt 498,1 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng tháng năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 7.296,5 nghìn lượt khách, đạt 97,3% kế hoạch năm, tăng 32,0% so với 9 tháng năm 2023. Chia ra: Khách trong nước 6.389,1 nghìn lượt khách, đạt 96,8% kế hoạch năm, tăng 22,2%; khách quốc tế 907,4 nghìn lượt, bằng 100,8% kế hoạch năm, gấp 3,0 lần. Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.506,3 nghìn lượt khách, đạt 96,0% kế hoạch năm, tăng 55,3%; số ngày khách lưu trú ước đạt 1.701,6 nghìn ngày khách, tăng 33,8%. Doanh thu du lịch 9 tháng ước đạt trên 7.251,0 tỷ đồng, đạt 87,9% kế hoạch năm, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu lưu trú 608,0 tỷ đồng, tăng 27,6%; doanh thu nhà hàng 3.609,8 tỷ đồng, tăng 40,0%.
6. Một số vấn đề xã hội
Trong 9 tháng năm 2024, tình hình đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng bất ổn an ninh, chính trị còn xảy ra ở một số quốc gia trên thế giới, nền kinh tế phục hồi chậm; thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trước tình hình đó, các cấp ủy Đảng, Chính quyền cùng với các ngành, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm, triển khai nhanh chóng, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương tới người dân, doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống.
6.1. Lao động và việc làm
Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 15,9 nghìn lao động, trong đó xuất khẩu lao động gần 1,3 nghìn người; tổ chức đào tạo nghề cho 13,1 nghìn lao động, trong đó đào tạo dài hạn là 4,1 nghìn lao động, đào tạo ngắn hạn 9,0 nghìn lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 28,8 nghìn lao động; giải quyết cho gần 4,6 nghìn lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ 5,7 nghìn lao động được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm.
6.2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện, trong 9 tháng đã thực hiện hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho gần 569,6 nghìn đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc các xã an toàn khu, người dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên và hộ nông lâm ngư có mức sống trung bình; giải quyết cho 925 lượt hộ nghèo, và hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, với tổng kinh phí trên 50,1 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho 5.905 hộ nghèo, với số kinh phí 3,1 tỷ đồng; hoàn thành xây mới và sửa chữa nhà ở cho 293 hộ nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí 25,2 tỷ đồng, trong đó 221 hộ xây mới với kinh phí 21,1 tỷ đồng, 82 hộ sửa chữa nhà ở với kinh phí 4,1 tỷ đồng.
Công tác bảo trợ xã hội và đền ơn đáp nghĩa cũng được thường xuyên quan tâm, trong 9 tháng năm 2024, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đã thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội...với tổng số kinh phí 86.758 triệu đồng, tặng cho 246.273 lượt đối tượng. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và trao tặng 53.963 xuất quà cho công nhân và người lao động, với số kinh phí 24.037 triệu đồng.
Ngoài ra, hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do bão số 3 (Yagi). Tính đến ngày 20/9/2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tiếp nhận hỗ trợ về tiền mặt và nhu yếu phẩm trị giá ước tính 24.114 triệu đồng (trong đó 21.274 triệu đồng tiền mặt, 07 tấn gạo và nhu yếu phẩm thiết yếu ước tính khoảng 2.840 triệu đồng). Đã thực hiện hỗ trợ 8.200 triệu đồng tiền mặt, 07 tấn gạo và nhu yếu phẩm.
6.3. Giáo dục, đào tạo
Trong 9 tháng năm 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đúng lịch trình, kế hoạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả, như:
Tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, có 71/82 học sinh đạt giải (gồm 01 giải Nhất, 14 giải Nhì, 35 giải Ba và 21 giải Khuyến khích), đạt tỷ lệ 86,6%, xếp thứ 6 toàn quốc, cao hơn 28,93% so với tỉ lệ đạt giải của toàn quốc; tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, có 02 dự án đoạt giải Triển vọng; tham gia Thi Olympic Toán học dành cho học sinh THPT chuyên năm 2024, có 08/10 học sinh đạt giải, trong đó có 01 giải Nhì, 06 giải Ba và 01 giải Khuyến khích; tham dự vòng chung kết Kỳ thi Olympic Tin học Miền Trung - Tây Nguyên lần thứ V, năm 2024 đạt 03 giải Vàng, 01 giải Bạc, 06 giải Đồng, 06 giải Khuyến khích; tham dự cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI, cấp quốc gia năm 2024 đạt 01 giải Nhì; tham dự Hội thi Đình Trạng Nguyên Tiếng Việt, đạt 01 giải Tiến sỹ, 04 giải Nhì, 08 giải Ba và 03 giải Khuyến khích; tham dự cuộc thi Olympic Sinh học Mỹ USABO năm 2024, đạt huy chương Bạc; tham gia Hội thi học sinh giỏi “Trại hè Hùng Vương” lần thứ XVIII năm 2024, có 60/60 học sinh đạt giải, gồm: 14 huy chương Vàng, 30 huy chương Bạc, 16 huy chương Đồng; tham gia thi đấu Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, đạt 06 huy chương, gồm 02 huy chương Vàng, 02 huy chương Bạc và 02 huy chương Đồng.
Kết quả kỳ thi Trung học phổ thông năm 2024 của tỉnh Ninh Bình tiếp tục đạt thành tích nổi bật, điểm trung bình tất cả các bài thi của thí sinh đạt 7,35 điểm, tăng 0,32 điểm so với năm 2023 và xếp thứ Hai toàn quốc (tăng 02 bậc so với năm 2023). Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,95%.
6.4. Hoạt động y tế [2]
Ngành Y tế đã chủ động giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, hóa chất phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền về tiêm chủng vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, tái nổi như: Ho gà, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi/rubella…; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để cấp cứu và điều trị kịp thời.
Trong 9 tháng năm 2024, đã xảy ra 226 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm; 7.982 trường hợp mắc cúm, 27 trường hợp mắc ho gà, 21 trường hợp mắc lỵ a míp, 02 trường hợp mắc Rubella/Rubeon, 85 trường hợp mắc tay chân miệng, 01 trường hợp thương hàn, 368 trường hợp thủy đậu và 02 trường hợp sốt rét… Riêng tình hình sốt xuất huyết, đến ngày 14/9/2024 toàn tỉnh ghi nhận 09 ổ dịch với tổng cộng 97 ca mắc, trong đó 06 ổ dịch đã kết thúc, 03 ổ dịch đang hoạt động. Các ổ dịch đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định.
Công tác khám chữa bệnh luôn được quan tâm thực hiện: Tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh trong 9 tháng đã khám bệnh cho 949,0 nghìn lượt bệnh nhân; điều trị nội trú cho 137,6 nghìn lượt bệnh nhân; khám thai 54,4 nghìn lượt; đặt dụng cụ tử cung 2,8 nghìn ca, triệt sản 76 ca.
Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong 9 tháng, phát hiện mới 20 người nhiễm HIV, có 17 trường hợp tử vong do AIDS. Lũy tích số người nhiễm HIV tính đến nay là 2.847 người, trong đó: tử vong 1.379 người; còn sống 1.468 người; số người nhiễm HIV đang được điều trị là 1.447 người.
6.5. Văn hoá thông tin
Hoạt động Văn hóa - Thông tin diễn ra với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và những sự kiện trọng đại của địa phương. Hoạt động thông tin tuyên truyền và cổ động trực quan được tập trung thực hiện sâu rộng, nêu bật được ý nghĩa của các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và địa phương. Các hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền và cổ động trực quan như: Kẻ vẽ, chăng treo khẩu hiệu, tranh cổ động; các cụm cổ động, cổng chào lớn, các bảng điện tử, nhất là ở các trung tâm đô thị, các trục đường giao thông chính; tổ chức triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh; biểu diễn nghệ thuật; trưng bày bảng ảnh; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Trong 9 tháng năm 2024, Nhà hát chèo đã thực hiện 142 buổi biểu diễn nghệ thuật và chương trình ca múa nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân; Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức 247 buổi chiếu phim phục vụ khán giả tại một số địa phương trong tỉnh; Bảo tàng tỉnh đã đón tiếp và hướng dẫn gần 24,0 nghìn lượt khách tham quan; Thư viện tỉnh thực hiện luân chuyển trên 866,3 nghìn lượt sách, báo, tạp chí phục vụ 301,8 nghìn lượt người đọc.
6.6. Hoạt động thể dục, thể thao
Trong 9 tháng, tiếp tục duy trì đào tạo, huấn luyện nâng cao thành tích cho vận động viên các tuyến tại Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao và cử các đoàn vận động viên đi thi đấu các giải, đạt được 382 huy chương các loại gồm 121 huy chương Vàng, 118 huy chương Bạc và 143 huy chương Đồng.
Tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều giải thi đấu thể thao như: Giải Bóng chuyền cúp Hoa Lư - Bình Điền lần thứ XVIII năm 2024, giải Quần vợt vô địch đồng đội trẻ quốc gia năm 2024, giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Ferroli Cup 2024, giải Quần vợt vô địch quốc gia năm 2024, các trận bóng đá trong khuôn khổ giải Hạng nhất Quốc gia trên sân vận động tỉnh.
Bên cạnh đó, tổ chức đa dạng các hoạt động thể thao quần chúng, thu hút đông đảo mọi đối tượng tham gia và cổ vũ, như: Giải Bóng chuyền, giải Vật đầu Xuân 2024; giải chạy "Cúc Phương Jungle Paths năm 2024" với chủ đề "Chạy để bảo tồn" tại Vườn Quốc gia Cúc Phương; giải chạy bộ Marathon "Dấu ấn Di sản 2024”; giải Bóng bàn các câu lạc bộ - Cúp Liên đoàn Bóng bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024; Hội thi thể thao công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) thành phố Ninh Bình năm 2024; Giải bóng đá nhi đồng Cúp Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Bình lần thứ 26, năm 2024; Giải vô địch võ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ nhất "Cúp Đinh Bộ Lĩnh" năm 2024; Giải bóng chuyền hơi nữ tỉnh Ninh Bình năm 2024; Giải Bơi thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ninh Bình năm 2024; ...
6.7. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội[3]
Lực lượng công an tỉnh chủ động nắm, kiểm soát tốt tình hình, chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi liên quan đến an ninh trật tự, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện quyết liệt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho du khách và nhân dân tại các điểm tham quan du lịch, lễ hội và các sự kiện tập trung đông người; tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ; xử lý nghiêm các loại tội phạm…
Tính từ ngày 15/8/2024 đến 14/9/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 02 người, bị thương 05 người; xảy ra 28 vụ phạm pháp hình sự với 43 đối tượng; phát hiện 14 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy với 21 đối tượng.
Tính chung lại, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/9/2024 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 131 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 03 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 75 người và bị thương 87 người (tăng 03 vụ, tăng 02 người chết và giảm 07 người bị thương so với cùng kỳ năm 2023); xảy ra 284 vụ phạm pháp hình sự (tăng 30 vụ); phát hiện 253 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy với 300 đối tượng (tăng 02 vụ và tăng 22 đối tượng); xảy ra 02 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản 95 triệu đồng, không có thương vong về người.
6.8. Tình hình thiên tai
Trong tháng, ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 03 (Yagi), trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính như sau: 4.929 ngôi nhà bị hư hại (trong đó 4.923 ngôi nhà bị ngập nước; 01 ngôi nhà bị thiệt hại nặng); 2.115,8 ha lúa và 304,8 ha hoa mầu bị ảnh hưởng; trên 6.450 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; trên 3.000 ha ao nuôi cá truyền thống, 26 ha diện tích nuôi cá da trơn và 133 ha nuôi tôm bị thiệt hại; 2,75 km đê cấp III trở lên và 3,2 km đê cấp IV trở xuống bị sạt, nứt và xuất hiện mạch đùn mạch sủi; trên 5,5 km kênh và 04 trạm bơm bị hư hỏng; 1,67 km đường bị sạt lở, hư hỏng; 190 cột điện trung cao thế và hạ thế bị gãy đổ; 3.600m dây trung, cao thế và hạ thế bị đứt; 07 trạm biến thế trung cao thế và hạ thế bị hư hỏng;… Tổng giá trị thiệt hại ước tính 376.590 triệu đồng. Ngoài ra, một số khu vực dân cư bị ngập lụt sâu, chia cắt, cô lập ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân./.