Thông cáo báo chí tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình năm 2024
Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình năm 2024
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới làm suy giảm hệ thống đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện tài chính đang tiếp tục được nới lỏng, nguồn cung lao động gia tăng. Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, nước ta tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn bởi tác động bên ngoài cũng như những hạn chế nội tại kéo dài; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất là cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh đã điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Các cấp, các ngành của tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường kết nối thị trường; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm các đơn hàng mới để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Dưới đây là một số kết quả đạt được:
1. Các chỉ tiêu tổng hợp[2]
1.1. Tăng trưởng kinh tế
Kinh tế tiếp tục phục hồi, duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 56.808,9 tỷ đồng, tăng 8,56 % so với năm 2023. Trong đó: giá trị tăng thêm khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) ước đạt 4.808,8 tỷ đồng, tăng 2,41%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; khu vực II (công nghiệp - xây dựng) ước đạt 20.429,3 tỷ đồng, tăng 10,72%, đóng góp 3,78 điểm phần trăm (riêng công nghiệp ước đạt 15.494,5 tỷ đồng, tăng 10,8%, đóng góp 2,89 điểm phần trăm); khu vực III (dịch vụ) ước đạt 22.549,4 tỷ đồng, tăng 10,05%, đóng góp 3,93 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9.021,4 tỷ đồng, tăng 3,78%, đóng góp 0,63 điểm phần trăm.
1.2. Cơ cấu kinh tế
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ. Khu vực dịch vụ dần trở thành thế mạnh của tỉnh khi ngành du lịch được quan tâm đầu tư phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
GRDP trên địa bàn toàn tỉnh năm 2024 (theo giá hiện hành) ước đạt trên 98.855,2 tỷ đồng. Chia ra: khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 8.456,3 tỷ đồng, chiếm 8,55%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 34.612,3 tỷ đồng, chiếm 35,01%, riêng công nghiệp ước đạt 26.700,6 tỷ đồng, chiếm 27,01%; khu vực dịch vụ ước đạt 40.659,2 tỷ đồng, chiếm 41,14%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 15.127,4 tỷ đồng, chiếm 15,3%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 mặc dù có những khó khăn, bất lợi do ảnh hưởng của thời tiết nhưng vẫn phát triển ổn định và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của tỉnh. Dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát tốt; công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng tiếp tục được quan tâm; sản xuất thủy sản phát triển khá, không phát sinh dịch bệnh.
2.1. Nông nghiệp
2.1.1. Trồng trọt
a) Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm cả năm 2024 ước đạt 91,0 nghìn ha, giảm 0,5% (- 0,4 nghìn ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích cây lương thực có hạt đạt 75,1 nghìn ha, giảm 0,1% (- 0,04 nghìn ha).
Cây lúa: Diện tích lúa cả năm 2024 đạt 70,8 nghìn ha, giảm 0,1% (- 0,04 nghìn ha); năng suất lúa đạt 61,2 tạ/hạ, giảm 1,3% (- 0,8 tạ/ha); sản lượng lúa ước đạt 433,1 nghìn tấn (trong đó có 5,4 nghìn tấn lúa tái sinh), giảm 1,3% (- 5,8 nghìn tấn).
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2024 ước đạt 450,1 nghìn tấn, giảm 1,2% (- 5,5 nghìn tấn) so với năm 2023 và đạt 102,9% kế hoạch năm 2024.
b) Cây lâu năm: Diện tích cây lâu năm năm 2024 ước đạt 7,6 nghìn ha, tăng 0,5% (+ 0,04 nghìn ha) so với năm trước, trong đó diện tích cây ăn quả ước đạt 6,9 nghìn ha, tăng 0,3% (+ 0,02 nghìn ha). Một số loại cây ăn quả có diện tích hiện có chiếm tỉ trọng khá như: Cây dứa đạt 3,4 nghìn ha; cây chuối đạt 1,1 nghìn ha; cây na 0,6 nghìn ha;...
Tổng sản lượng cây ăn quả năm 2024 sơ bộ đạt 115,4 nghìn tấn, tăng 1,0% (+ 1,1 nghìn tấn) so với năm trước, trong đó sản lượng dứa ước đạt 69,8 nghìn tấn, giảm 1,0% (- 0,7 nghìn tấn); sản lượng chuối đạt 22,9 nghìn tấn, tăng 2,5% (+ 0,6 nghìn tấn); sản lượng na đạt 3,9 nghìn tấn, tăng 6,1% (+ 0,2 nghìn tấn);...
2.1.2. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong năm phát triển tương đối thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo môi trường, điều kiện ổn định cho công tác tái đàn, khôi phục sản xuất. Ngành chăn nuôi là động lực tăng trưởng chính trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2024.
Ước tính đến thời điểm báo cáo, đàn trâu ước đạt 13,0 nghìn con, giảm 0,1% (- 11 con); đàn bò ước đạt 35,4 nghìn con, tăng 2,2% (+ 0,8 nghìn con); đàn lợn ước đạt 299,9 nghìn con, tăng 3,8% (+ 11,0 nghìn con); đàn gia cầm ước đạt 7,1 triệu con, tăng 4,7% (+ 0,3 triệu con).Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2024 ước đạt 70,3 nghìn tấn, tăng 6,1% (+ 4,0 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước, trong đó thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 48,1 nghìn tấn, tăng 6,4% (+ 2,9 nghìn tấn); thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 16,7 nghìn tấn, tăng 6,4% (+ 1,0 nghìn tấn)...
Tình hình dịch bệnh: Trong năm 2024, dịch bệnh trên đàn trâu, bò tiếp tục được kiểm soát tốt, không xuất hiện các ổ dịch truyền nhiễm. Bệnh cúm gia cầm xuất hiện rải rác nhưng đã được kiểm soát trong quý I, không lây lan trên diện rộng. Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra lẻ tẻ, quy mô nhỏ ở một số địa phương. Hiện tại, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Lũy kế tiêu hủy 988 con, trọng lượng tiêu hủy 52,9 tấn. Số con lợn tiêu hủy giảm 88% (giảm 7.219 con) so với năm 2023.
2.2. Lâm nghiệp
Năm 2024, diện tích rừng trồng mới sơ bộ đạt 292 ha, giảm 2,0% (- 6 ha) so với năm 2023; số cây lâm nghiệp trồng phân tán trong năm sơ bộ đạt 1.001 nghìn cây, tăng 0,9% (+ 9,1 nghìn cây) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác năm 2024 sơ bộ đạt 27,4 nghìn m3, tăng 4,6% (+ 1,2 nghìn m3) so với năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 23,8 nghìn ste, tăng 1,3% (+ 0,3 nghìn ste).
Tính từ đầu năm 2024 đến thời điểm báo cáo đã xảy ra 01 vụ cháy rừng với 0,4 ha diện tích rừng phòng hộ tự nhiên bị cháy ở phường Nam Sơn thành phố Tam Điệp.
2.3. Thủy sản
Năm 2024, hoạt động sản xuất thuỷ sản tiếp tục duy trì và phát triển ổn định. Điều kiện môi trường phù hợp, thị trường tiêu thụ thuỷ sản có nhiều thuận lợi, việc đa dạng hình thức và đối tượng nuôi đã góp phần làm tăng sức cạnh tranh cũng như giá trị của sản phẩm thủy sản nuôi trồng.
Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2024 ước đạt 15,1 nghìn ha, giảm 1,4% (- 0,2 nghìn ha) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích nuôi cá đạt 10,9 nghìn ha, giảm 1,9% (- 0,2 nghìn ha), chủ yếu do giảm diện tích nuôi cá trên ruộng của huyện Hoa Lư. Diện tích nuôi tôm thẻ thâm canh, bán thâm canh ước đạt 873 ha, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thuỷ sản năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 72,5 nghìn tấn, tăng 4,7% (+ 3,2 nghìn tấn) so với năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 64,6 nghìn tấn, tăng 4,6% (+ 2,8 nghìn tấn); sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 7,9 nghìn tấn, tăng 5,3% (+ 0,4 nghìn tấn).
3. Sản xuất công nghiệp
Sau năm 2023 gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm 2024 từng bước phục hồi, đạt được tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng đóng góp tích cực vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.
3.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 11,33%, trong đó ngành khai khoáng tăng 16,81%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,33%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,94%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,41%.
3.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Năm 2024 các sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm 2023 là: Đá các loại 4,3 triệu m3, tăng 16,1%; giày dép các loại 68,7 triệu đôi, tăng 17,5%; phân Ure 0,5 triệu tấn, tăng 21,1%; phân NPK 0,1 triệu tấn, tăng 34,7%; phân lân nung chảy 0,2 triệu tấn, tăng 30,9%; thép cán các loại 0,3 triệu tấn, tăng 21,5%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 52,0 nghìn chiếc, tăng 15,8%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 0,3 triệu chiếc, tăng 27,7%; cần gạt nước ô tô 6,1 triệu cái, tăng 28,4%; điện sản xuất 0,7 tỷ Kwh, tăng 11,5%; điện thương phẩm 2,8 tỷ Kwh, tăng 12,6%;... Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút là: Hàng thêu 0,9 triệu m2, giảm 49,4%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 0,3 nghìn tấn, giảm 48,7%; modul camera 177,6 triệu cái, giảm 16,7%; tai nghe điện thoại di động 0,4 triệu cái, giảm 81,0%; búp bê 190,8 triệu con, giảm 10,7%;…
4. Vốn đầu tư thực hiện
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh năm 2024 ước đạt 34.191,2 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2023. Chia ra: Vốn Nhà nước đạt 7.546,9 tỷ đồng, tăng 7,1%; vốn ngoài Nhà nước đạt 24.778,9 tỷ đồng, tăng 5,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.865,4 tỷ đồng, tăng 19,3%.
Một số công trình, dự án chủ yếu trong năm 2024 có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An và các dự án thành phần ước đạt 517 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) ước đạt 437,1 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) ước đạt 259,6 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 và kết nối quốc lộ 10 với quốc lộ 12B ước đạt 233,7 tỷ đồng; dự án xây dựng Trường Đại học Hoa Lư (giai đoạn 2) ước đạt 200 tỷ đồng; dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ - Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ước đạt 159,2 tỷ đồng. Dự án xây dựng cở sở hạ tầng Cụm công nghiệp Khánh Lợi I của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Bảo Minh - Khánh Hồng ước đạt 351,8 tỷ đồng; dự án mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất camera module của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 329,8 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị trong nhà xưởng phục vụ sản xuất và mua sắm máy móc thiết bị của Công ty TNHH giầy Athena Việt Nam ước đạt 203,5 tỷ đồng;...
5. Thương mại, dịch vụ
Trong năm 2024, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, hoạt động du lịch phát triển mạnh kéo theo các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng trưởng cao, hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi tích cực, hoạt động vận tải tăng khá, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.
5.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Trong năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện trên 82.470,8 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm 2023. Tất cả các nhóm hàng đều có doanh thu bán lẻ tăng.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2024 ước đạt 9.540,3 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cả năm 2023; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 89,4 tỷ đồng, tăng 23,0%; doanh thu một số ngành dịch vụ khác 6.343,4 tỷ đồng, tăng 14,1%.
5.2. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng: CPI bình quân năm 2024 tăng 4,02% so với bình quân năm trước. Có đến 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,25% (lương thực tăng 16,08%, thực phẩm tăng 5,49%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,48%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,32%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 5,39%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,99%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,5%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,77%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,07%; nhóm giáo dục tăng 1,9%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,75% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,39%. Duy nhất nhóm giao thông giảm 0,18%.
Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ: Bình quân năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 32,26%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,12% so với bình quân năm 2023.
5.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Trong bối cảnh nền kinh tế có sự phục hồi so với năm 2023, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh ở trong nước, bất ổn chính trị ở một số nước trên thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu được cải thiện nhưng còn chậm, thiếu bền vững... là nguyên nhân làm chậm sự phục hồi của hoạt động xuất, nhập khẩu trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh.
Xuất khẩu: Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh năm 2024 ước thực hiện 3.379,8 triệu USD, tăng 6,3% so với năm trước và vượt 4,0% so với kế hoạch năm. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Giày dép các loại ước đạt 992,4 triệu USD; camera và linh kiện 740,8 triệu USD; xi măng và clanke 521,2 triệu USD; quần áo các loại 314,7 triệu USD; linh kiện điện tử 154,3 triệu USD, linh kiện phụ tùng ô tô các loại 144,4 triệu USD...
Nhập khẩu: Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 3.219,4 triệu USD, tăng 14,3% so với năm 2023 và vượt 0,6% kế hoạch năm. Trị giá các nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện phụ tùng ô tô các loại 996 triệu USD; linh kiện điện tử 848,9 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 637,5 triệu USD; vải may mặc các loại 147,4 triệu USD; ô tô 81,2 triệu USD.
5.4. Vận tải hành khách và hàng hóa
Trong năm, nhiều công trình giao thông được khởi công, xây dựng và hoàn thành đã mở rộng cơ sở hạ tầng kết nối các địa phương trong và ngoài tỉnh, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, giá xăng dầu từ đầu năm đến nay tương đối ổn định giúp các đơn vị vận tải tập trung cho kế hoạch sản xuất, tiếp tục nâng cao năng lực vận tải để phục vụ nhu cầu vận chuyển ngày càng cao.
Vận tải hành khách: Năm 2024, vận tải hành khách toàn tỉnh ước thực hiện gần 55,0 triệu lượt khách, tăng 22,7% và luân chuyển trên 2.545,5 triệu lượt khách.km, tăng 19,3% so với năm trước, vượt 12,7% kế hoạch năm.
Vận tải hàng hóa: Năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển của tỉnh ước đạt gần 177,2 triệu tấn, tăng 20,7% so với năm trước. Khối lượng luân chuyển hàng hóa ước thực hiện cả năm gần 23.908,4 triệu tấn.km, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt 62,5% kế hoạch năm.
Doanh thu vận tải: Doanh thu hoạt động vận tải toàn tỉnh năm 2024 ước đạt 21.128,0 tỷ đồng, tăng 20,8% so với năm 2023.
5.5. Hoạt động du lịch
Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục khởi sắc, với việc định hướng phát triển du lịch một cách bền vững, thời gian qua do có tầm nhìn, chiến lược rõ ràng nên các sản phẩm du lịch của tỉnh mang dấu ấn riêng, có chiều sâu văn hóa, có chất lượng tốt đã tạo ra thương hiệu cho du lịch Ninh Bình. Nhiều sản phẩm du lịch đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm đặc trưng, điểm nhấn về du lịch của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của du khách, Ninh Bình tiếp tục khẳng định là điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.
Ước tính số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt 8.724,5 nghìn lượt khách, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt 16,3% so với kế hoạch. Doanh thu du lịch ước đạt 9.172,4 tỷ đồng, tăng 40,1% so với năm trước, vượt 11,2% so với kế hoạch năm.
6. Một số vấn đề xã hội
Năm 2024, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức do những bất ổn chính trị trên thế giới, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó các cấp ủy Đảng, Chính quyền cùng với các ngành, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm, triển khai nhanh chóng, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương tới người dân, doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống.
6.1. Dân số, lao động việc làm
Sơ bộ ước tính dân số trung bình năm 2024 tỉnh Ninh Bình đạt 1.030,3 nghìn người, tăng 1,3% (+13,2 nghìn người) so với năm 2023, chia ra: Dân số nam 514,7 nghìn người, chiếm 49,95%; dân số nữ 515,6 nghìn người, chiếm 50,05%. Dân số thành thị 224,6 nghìn người, chiếm 21,8%; dân số nông thôn 805,7 nghìn người, chiếm 78,2%.
Trong năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20,6 nghìn lao động, trong đó xuất khẩu lao động trên 1,9 nghìn người; tổ chức đào tạo nghề cho 17,7 nghìn lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 38,0 nghìn lao động; giải quyết cho 6,5 nghìn lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; 7,5 nghìn lao động được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm.
6.2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện. Trong năm đã thực hiện hỗ trợ đóng và cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho gần 631,4 nghìn đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên và hộ nông lâm ngư có mức sống trung bình...; giải quyết cho 1.015 lượt đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, với tổng kinh phí là 64,1 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho 5.905 hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 4,2 tỷ đồng. Hoàn thành xây mới và sửa chữa nhà ở cho 419 hộ nghèo và cận nghèo, với tổng kinh phí 36,9 tỷ đồng.
Hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do bão số 3 (Yagi): Tính đến ngày 20/12/2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thực hiện hỗ trợ tiền mặt, gạo và nhu yếu phẩm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và cộng đồng dân cư trong và ngoài tỉnh với giá trị là 14.821,4 triệu đồng. Trong đó: Hỗ trợ tiền mặt 11.348 triệu đồng; 07 tấn gạo và nhu yếu phẩm các loại ước tính khoảng 3.473,4 triệu đồng.
Trong năm, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đã quan tâm động viên thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội...với tổng số kinh phí 86.755 triệu đồng, tặng cho 246.288 lượt đối tượng. Ngoài ra, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và trao tặng 105.992 xuất quà cho công nhân và con em của công nhân, người lao động với kinh phí 31.947 triệu đồng.
6.3. Giáo dục, đào tạo[3]
Trong năm, ngành giáo dục Ninh Bình đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác, hoàn thành đúng kế hoạch thời gian năm học, đạt kết quả toàn diện trên các mặt, trong đó có nhiều điểm sáng, nổi bật là: Mạng lưới trường, lớp được tập trung quy hoạch, phát triển; cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, tạo nhiều chuyển biến rõ nét, chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn nâng lên, là năm học ghi dấu ấn về chất lượng giáo dục của tỉnh Ninh Bình. Kết quả cụ thể:
Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, có 71/82 học sinh đoạt giải, đạt tỷ lệ 86,6%, xếp thứ 6 toàn quốc, cao hơn 28,93% so với tỷ lệ đoạt giải của toàn quốc; Kết quả kỳ thi THPT năm 2024 của tỉnh Ninh Bình tiếp tục đạt thành tích nổi bật, điểm trung bình tất cả các bài thi của thí sinh đạt 7,35 điểm, tăng 0,32 điểm so với năm 2023 và xếp thứ Hai toàn quốc. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,95%.
Trong năm, đã tổ chức thành công các kỳ thi, cuộc thi, hội thi, giao lưu cấp tỉnh, tham gia các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế đạt được nhiều thành tích, nổi bật như: Tham gia thi Olympic Toán học dành cho học sinh THPT chuyên năm 2024, có 08/10 học sinh đạt giải, trong đó có 01 giải Nhì, 06 giải Ba và 01 giải Khuyến khích; tham dự vòng chung kết Kỳ thi Olympic Tin học Miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ V, năm 2024, có 16 thí sinh tham gia dự thi, đạt 03 giải Vàng, 01 giải Bạc, 06 giải Đồng, 06 giải Khuyến khích...; ngoài ra còn tổ chức các sân chơi khác hoặc khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh đam mê tìm hiểu tri thức, khoa học tham gia các sân chơi trí tuệ, bổ ích, như: Tham gia Cuộc thi Olympic Sinh học Mỹ USABO năm 2024 đoạt Huy chương Bạc; Cuộc thi Quốc tế về Sở hữu trí tuệ, Sáng chế, Đổi mới và Công nghệ iPITEx năm 2024 đoạt Huy chương Vàng;...
Công tác khuyến học, khuyến tài tiếp tục được quan tâm. Trong năm, phối hợp tổ chức trao học bổng của Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh cho 422 em học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế, thi tốt nghiệp THPT quốc gia, xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT... với tổng trị giá tiền thưởng gần 1,7 tỷ đồng.
6.4. Hoạt động Y tế [4]
Ngành Y tế đã bám sát và triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh về công tác y tế, bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, tái nổi, các bệnh truyền nhiễm theo mùa; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp bệnh truyền nhiễm, sốt xuất huyết, sởi, viêm não Nhật Bản, bệnh dại, bệnh do liên cầu lợn ở người...
Công tác khám chữa bệnh tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tại các cơ sở y tế công lập đã khám chữa bệnh cho 1.251,7 nghìn lượt, điều trị nội trú 188,2 nghìn lượt; khám thai cho 74,4 nghìn lượt; đặt dụng cụ tử cung cho 3.532 ca; triệt sản 110 ca.
6.5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa thông tin diễn ra với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và những sự kiện trọng đại của tỉnh. Trong đó nổi bật như các sự kiện: Chào năm mới Giáp Thìn 2024; Lễ kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và Lễ hội Hoa Lư năm 2024; Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Unesco ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Dòng chảy di sản”…
Hoạt động thể thao: Trong năm, tiếp tục duy trì đào tạo, huấn luyện nâng cao thành tích cho vận động viên các tuyến tại Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao và cử các đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải, đạt được 427 huy chương các loại gồm 134 huy chương Vàng, 136 huy chương Bạc và 157 huy chương Đồng. Bên cạnh đó, Đoàn vận động viên Bóng chuyền nữ LPBank Ninh Bình tham dự Giải Vô địch Bóng chuyền các Câu lạc bộ nữ Châu Á năm 2024 tại Thái Lan xếp hạng Nhì;…
Phong trào luyện tập thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì thường xuyên, trong năm đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao quần chúng, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, như: Giải chạy "Cúc Phương Jungle Paths năm 2024" với chủ đề "Chạy để bảo tồn" tại Vườn Quốc gia Cúc Phương; Giải chạy bộ Marathon "Dấu ấn Di sản 2024; Giải Bóng bàn các câu lạc bộ - Cúp Liên đoàn Bóng bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024; Giải Bơi thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ninh Bình năm 2024; Giải bóng bàn Cúp Báo Ninh Bình lần thứ XVIII, năm 2024;...
6.6. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội[5]
Trong năm, lực lượng Công an tỉnh chủ động nắm và kiểm soát tốt tình
hình, huy động tối đa lực lượng, phương tiện bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đoàn khách trong nước và khách quốc tế về dự các sự kiện quan trọng của tỉnh, đồng thời tập trung thực hiện bảo đảm an ninh, an toàn cho Nhân dân trong các kỳ nghỉ lễ, tết; tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
Từ 15/12/2023 đến ngày 14/12/2024 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 194 vụ tai nạn giao thông làm chết 105 người, bị thương 132 người (đường bộ xảy ra 191 vụ làm chết 104 người, bị thương 130 người; đường sắt xảy ra 03 vụ làm chết 01 người, bị thương 02 người); đã xảy ra 408 vụ phạm pháp hình sự; phát hiện 285 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý với 351 đối tượng; xảy ra 04 vụ cháy không có thương vong về người, gây thiệt hại tài sản ước tính 97 triệu đồng./.