|
Diễn biến giá tiêu dùng kể từ đầu năm 2010. Số liệu: GSO |
Mặc dù đã giảm nhiều so với mức tăng 12% của tháng 9 nhưng nhóm hàng hóa, dịch vụ giáo dục tiếp tục dẫn đầu xu thế tăng giá trong tháng này với mức tăng 3,9%. Kế đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 1,32% (riêng lương thực tăng gần 1,9%). Trong rổ hàng hóa, duy nhất nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông giảm giá.
Do tác động của việc tăng giá trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long nên Hà Nội là một trong những địa phương có mức tăng CPI cao nhất trong cả nước (1,22%, chỉ thấp hơn mức 1,27% của Cần Thơ). Trong khi đó, mức tăng tương ứng tại TP HCM chỉ là 0,45%.
Cũng trong tháng 10, Tổng cục Thống kê cho biết đà tăng giá vàng tuy đã có dấu hiệu chậm lại so với tháng 9 nhưng vẫn ở mức 7,87%. Chỉ số giá đôla Mỹ tăng không đáng kể, chỉ 0,6%.
Lạm phát là một trong 6 chỉ tiêu mà Chính phủ không thể làm tròn theo nhiệm vụ Quốc hội giao. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm nay lẽ ra không được quá 7%, nhưng theo dự báo của Chính phủ tỷ lệ này có thể lên dến 8%.
Từ góc độ chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% rất xa vời, năm nay chỉ cần giữ dưới một con số và đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 6% đã là thành công rồi. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng tỏ rõ quan ngại kinh tế vĩ mô khó ổn định nếu không kiểm soát được giả cả.
"Hiện nay bà con nhân dân lo nhất mục tiêu kiềm chế lạm phát. 2008 lạm phát, 2009 suy thoái. Bây giờ lạm phát nữa thì chẳng khác nào nhồi máu cơ tim lần hai", ông Trừng ví von. Ông cũng cảnh báo về đà tăng giá đột biến của đôla và vàng thời gian qua có thể gián tiếp đẩy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đi lên.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận làm phát ở mức 7% là cao so với mặt bằng thế giới, và nếu để lên đến mức 8, 9 thậm chí 10% thì công tác điều hành chưa thực sự thành công. Tuy nhiên, theo ông trong điều kiện hiện nay vẫn phải chấp nhận lạm phát cao một chút để làm sao vừa phục hồi tăng trưởng, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
"Dự báo kinh tế thế giới năm tới sẽ phục hồi, giá cả vì thế sẽ thiết lập mặt bằng mới. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam vẫn nhập siêu, chúng ta phải nhập cả giá cả và lạm phát vào. Hơn nữa, ở một số mặt hàng thiết yếu, chúng ta phải đẩy mạnh một bước nữa để vận hành theo cơ chế thị trường", Phó thủ tướng nói. Chính phủ dự kiến tăng trưởng kinh tế 2011 sẽ ở mức 7-7,5% và phấn đấu giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng kinh tế.