Hôm nay, thứ 5 05/09/2024
Tìm kiếm:  

THÔNG TIN THỐNG KÊ THÁNG


 Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình Tháng Tám năm 2023

 

Trong tháng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiệm túc, có hiệu quả các nội dung được đề ra trong chương trình công tác năm 2023 của UBND tỉnh; tập trung tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất để ổn định việc làm cho người lao động. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách. Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tháng Tám và 8 tháng năm 2023 đạt kết quả như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng là tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tiếp tục khống chế dịch tả lợn Châu Phi, thực hiện có hiệu quả công tác tái đàn. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Chăm sóc, phòng bệnh cho thủy sản nuôi trồng và thực hiện thả giống thủy sản vụ 2.

1.1. Nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

Diện tích gieo cấy lúa vụ Mùa năm 2023 ước đạt 31,2 nghìn ha, bằng 99,9% so với kế hoạch gieo cấy lúa vụ Mùa năm 2023 toàn tỉnh. Đến ngày 23/8/2023, toàn bộ diện tích lúa đã được chăm sóc xong đợt 2.

Tiến độ gieo trồng các loại cây màu vụ Mùa đến nay đạt 4.235,2 ha, bằng 96,3% kế hoạch, trong đó gồm 1.136,9 ha ngô, 247,7 ha lạc, 89,0 ha khoai lang, 82,0 ha cây đậu tương và 2.679,6 ha cây rau, đậu và cây màu khác.

Tình hình sâu bệnh: Trong tháng đã xuất hiện một số loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, khô vằn, rầy, sâu đục thân,... có khả năng gây hại trên diện rộng ở một số địa phương và trên các trà lúa Mùa đã cấy. Diện tích nhiễm sâu cuốn lá lứa 6 là 26,3 nghìn ha, trong đó nhiễm nặng 20,2 nghìn ha, đã phòng trừ 24,5 nghìn ha; diện tích nhiễm khô vằn 5,0 nghìn ha, nhiễm trung bình 1,6 nghìn ha và đã phòng trừ 4,5 nghìn ha; diện tích nhiễm rầy lứa 6 là 6,6 nghìn ha, trong đó nhiễm nặng 1,1 nghìn ha, phòng trừ 2,2 nghìn ha...

1.1.2. Chăn nuôi

Đàn trâu, bò trong tháng phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Tại thời điểm báo cáo, tổng đàn trâu, bò ước đạt 48,5 nghìn con, tăng 1,0% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó: đàn trâu đạt 13,0 nghìn con, tăng 0,4%; đàn bò đạt 35,5 nghìn con, tăng 1,2%; đàn lợn ước đạt 277,9 nghìn con, tăng 1,4%; tổng đàn gia cầm ước đạt 6,5 triệu con, tăng 1,9%; trong đó, đàn gà ước đạt 4,5 triệu con, tăng 1,1%.

Tình hình dịch bệnh: Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm và dần được khống chế. Tính đến ngày 23/8/2023, toàn tỉnh chỉ còn 10 xã của 02 huyện Nho Quan, Gia Viễn còn ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày. Số lượng lợn bị tiêu hủy tính từ ngày 01/3/2023 đến hết ngày 23/8/2023 trên địa bàn toàn tỉnh là 6.618 con với trọng lượng tiêu hủy 285,1 tấn. Không xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Kết quả tiêm phòng vụ Xuân - Hè: Tính đến ngày 23/8/2023, các địa phương đã tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm như sau: Vắc xin phòng bệnh Dại chó, mèo tiêm được 26,8 nghìn liều; vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò tiêm được 11 nghìn liều; vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm tiêm được 1,5 triệu liều.

1.2. Lâm nghiệp

Công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được các ngành, các cấp quan tâm, trong tháng không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Diện tích rừng trồng mới trong tháng ước đạt 30,0 ha, tăng 73,7% (+ 12,7 ha) so với cùng tháng năm trước; sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 2,3 nghìn m3, tăng 1,8% (+ 0,04 nghìn m3); sản lượng củi ước đạt 2,0 nghìn ste, giảm 2,7% (- 0,06 nghìn ste); số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 43,9 nghìn cây, tăng 1,9% (+ 0,8 nghìn cây).

Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 134,8 ha, tăng 40,0% (+ 38,5 ha) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 17,0 nghìn m3, tăng 1,1%  (+ 1,9 nghìn m3); sản lượng củi khai thác ước đạt 15,5 nghìn ste, giảm 2,0% (- 0,3 nghìn ste); số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 476,4 nghìn cây, tăng 2,0% (+ 9,3 nghìn cây).

1.3. Thủy sản

Trong tháng, sản xuất thủy sản phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Các hộ nuôi trồng thủy sản tiến hành thu hoạch các con nuôi đạt kích cỡ thương phẩm để cung cấp cho thị trường và thả bù giống mới nhằm nâng cao năng suất nuôi trồng.

Đối với vùng nuôi thuỷ sản nước lợ huyện Kim Sơn: Các hộ nuôi trồng thủy sản đang trong giai đoạn tập trung thu hoạch sản phẩm nuôi vụ 1 và tu sửa lại ao đầm, xử lý nước để thả giống vụ 2. Do biến động của độ mặn trong vùng nuôi nên việc sản xuất ngao giống trong tháng giảm.

Sản lượng thủy sản tháng Tám ước đạt 6,3 nghìn tấn, tăng 4,2% (+ 0,3 nghìn tấn) so với cùng tháng năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 5,6 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng khai thác ước đạt 0,7 nghìn tấn, giảm 0,3%. 

Tính chung lại, sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt 45,6 nghìn tấn, tăng 3,9% (+ 1,7 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 40,7 nghìn tấn, tăng 4,0% (+ 1,5 nghìn tấn); sản lượng khai thác ước đạt 4,9 nghìn tấn, tăng 3,6% (+ 0,2 nghìn tấn). Sản lượng cá ước đạt 23,9 nghìn tấn, tăng 2,2%, tôm ước đạt 2,6 nghìn tấn, tăng 6,0%, thủy sản khác ước đạt 19,1 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thấp nên các doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, thậm chí còn bị hủy các đơn đặt hàng đã ký; tính cạnh tranh của cả hàng trong nước và hàng nhập khẩu đều cao; thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; hàng tồn kho tăng cao; số lao động giảm; giãn ca, giãn việc, không làm thêm giờ...

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng Tám ước tính tăng 7,32% so với tháng trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 13,28%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,22%; sản xuất và phân phối điện giảm 26,65%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,96%.

So với cùng tháng năm trước (tháng 8/2022), chỉ số IIP toàn tỉnh giảm 4,57%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 12,49%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,93%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,14%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,51%.

Tính chung lại 8 tháng đầu năm 2023 chỉ số IIP toàn tỉnh giảm 1,59%, trong đó ngành khai khoáng tăng 8,84%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,84%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,54%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,42%.

Giá trị sản xuất: Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng Tám ước đạt 7.950,0 tỷ đồng, giảm 1,5% so với tháng 8/2022. Trong đó: khai khoáng ước đạt 57,3 tỷ đồng, tăng 14,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo 7.771,5 tỷ đồng, giảm 1,7%; sản xuất và phân phối điện 92,3 tỷ đồng, tăng 2,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 28,9 tỷ đồng, tăng 7,8%.

Tính chung lại, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 65.125,7 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai khoáng ước đạt 406,1 tỷ đồng, tăng 9,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo 63.783,8 tỷ đồng, tăng 1,3%; sản xuất và phân phối điện 718,2 tỷ đồng, tăng 7,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 217,6 tỷ đồng, tăng 9,5%.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện tháng Tám năm 2023 tăng khá so với cùng kỳ như: đá các loại 0,4 triệu m3, tăng 12,0%; ngô ngọt đóng hộp 0,3 nghìn tấn, tăng 9,1%; dứa đóng hộp 0,8 nghìn tấn, tăng 77,2%; nước dứa tươi 0,7 triệu lít, gấp 3,5 lần; thức ăn gia súc 4,0 nghìn tấn, tăng 25,0%; găng tay 0,4 triệu đôi, tăng 18,9%; phân Ure 47,4 nghìn tấn, tăng 17,9%; phân NPK 4,0 nghìn tấn, tăng 5,3%; phân lân nung chảy 10,1 nghìn tấn, tăng 31,2%; linh kiện điện tử 8,5 triệu cái, tăng 9,0%; kính máy ảnh 0,1 triệu cái, tăng 49,3%; điện thương phẩm 0,2 tỷ Kwh, tăng 3,6%; nước máy thương phẩm 2,5 triệu m3, tăng 3,0%;... Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: nước khoáng không có ga 0,5 triệu lít, giảm 3,4%; quần áo các loại 5,3 triệu cái, giảm 38,9%; giày dép các loại 4,9 triệu đôi, giảm 23,5%; xi măng (kể cả clanke) 0,6 triệu tấn, giảm 6,3%; modul camera 17,1 triệu cái, giảm 27,8%; tai nghe điện thoại di động 0,1 triệu cái, giảm 87,6%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 3,4 nghìn chiếc, giảm 27,7%; xe ô tô chở hàng 0,7 nghìn chiếc, giảm 32,9%; cần gạt nước ô tô 0,3 triệu cái, giảm 55,9%; điện sản xuất 41,8 triệu Kwh, giảm 3,2%...

Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng cao so với cùng kỳ là: đá các loại 2,4 triệu m3, tăng 8,5%; ngô ngọt đóng hộp 2,1 nghìn tấn, tăng 31,3%; nước dứa tươi 4,4 triệu lít, tăng 37,1%; thức ăn gia súc 23,2 nghìn tấn, tăng 36,0%; nước khoáng không có ga 3,0 triệu lít, tăng 8,0%; kính máy ảnh 1,1 triệu cái, tăng 29,5%; điện sản xuất 0,4 tỷ Kwh, tăng 7,4%; nước máy thương phẩm 19,3 triệu m3, tăng 9,8%… Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức sản xuất giảm như: dứa đóng hộp 5,9 nghìn tấn, giảm 12,5%; quần áo các loại 41,1 triệu cái, giảm 38,8%; giày dép các loại 37,4 triệu đôi, giảm 18,2%; phân Ure 0,3 triệu tấn, giảm 2,6%; phân NPK 52,7 nghìn tấn, giảm 10,5%; phân lân nung chảy 89,5 nghìn tấn, giảm 14,3%; xi măng (kể cả clanke) 4,6 triệu tấn, giảm 25,5%; modul camera 145,5 triệu cái, giảm 32,3%; tai nghe điện thoại di động 1,8 triệu cái, giảm 40,3%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 28,9 nghìn chiếc, giảm 9,4%; xe ô tô chở hàng 5,0 nghìn chiếc, giảm 32,1%; cần gạt nước ô tô 3,4 triệu cái, giảm 51,1%; điện thương phẩm 1,6 tỷ Kwh, giảm 5,3%…

Sản lượng tồn kho một số sản phẩm chủ yếu đến 31/7/2023: giày, dép 2,5 triệu đôi; đạm urê 24,9 nghìn tấn; phân NPK 36,4 nghìn tấn; phân lân nung chảy 13,6 nghìn tấn; kính xây dựng 81,8 nghìn tấn; xi măng 44,2 nghìn tấn; thanh, que sắt hoặc thép không hợp kim, được cán nóng 10,7 nghìn tấn; bản vi mạch điện tử 19,0 triệu chiếc; modul camera 25,9 triệu cái; xe ô tô lắp ráp 2.525 chiếc...

3. Vốn đầu tư phát triển

Tổng số vốn đầu tư phát triển tháng Tám năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 2.540,2 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng tháng năm trước. Trong đó: Vốn Nhà nước đạt 544,2 tỷ đồng, tăng 19,9%; vốn ngoài Nhà nước đạt 1.921,6 tỷ đồng, tăng 2,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 74,4 tỷ đồng, giảm 70,1%.

Tính chung lại, tổng vốn đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 19.090,6 tỷ đồng, giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Vốn Nhà nước đạt 3.916,6 tỷ đồng, tăng 15,5%; vốn ngoài Nhà nước đạt 14.565,4 tỷ đồng, tăng 5,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 608,6 tỷ đồng, giảm 77,0%.

Một số dự án, công trình có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn trong tháng Tám năm 2023 là:

- Khu vực đầu tư công: Dự án xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 và kết nối quốc lộ 10 với quốc lộ 12B ước đạt 30,0 tỷ đồng; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An và các dự án thành phần ước đạt 25,8 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (Giai đoạn 1) ước đạt 10,0 tỷ đồng; dự án nâng cấp tuyến đường chính vào khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình (Giai đoạn 1) ước đạt 9,7 tỷ đồng; dự án xây dựng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình ước đạt 8,0 tỷ đồng; dự án xây dựng khu Trung tâm công viên văn hóa cộng đồng huyện Kim Sơn ước đạt 7,0 tỷ đồng; dự án nâng cấp chỉnh trang các tuyến đường trục chính và hệ thống thoát nước chống ngập thành phố Tam Điệp ước đạt 7,0 tỷ đồng; dự án xây dựng công trình mở rộng và nâng cấp các tuyến đường trục chính và kênh thoát nước trên địa bàn xã Gia Vượng ước đạt 7,0 tỷ đồng; dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ước đạt 6,9 tỷ đồng; dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa Trụ sở HĐND - UBND huyện Nho Quan ước đạt 6,9 tỷ đồng…

- Dự án sử dụng vốn ODA: Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ - Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn ước đạt 1,5 tỷ đồng.

- Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất, mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất camera module của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 40,0 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Master Vina ước đạt 7,5 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất giày của Công ty TNHH sản xuất giày Athena Việt Nam ước đạt 4,1 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất giày của Công ty TNHH Vonora ước đạt 3,5 tỷ đồng…

Một số dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước khởi công mới trong tháng như: Dự án cải tạo hồ Lâm Sản thành phố Ninh Bình với tổng mức đầu tư 39,0 tỷ đồng; dự án xử lý cấp bách chống ngập, tiêu thoát lũ từ khu vực Đồng Tâm, Tân Nhất xuống kênh Nguyễn Văn Bé huyện Nho Quan với tổng mức đầu tư 35,0 tỷ đồng; dự án xử lý cấp bách đê hữu sông Vạc (đoạn ngã ba sông Bút đến cống Sáu Thôn) xã Yên Nhân huyện Yên Mô với tổng mức đầu tư 15,0 tỷ đồng; dự án xử lý cấp bách đê tả sông Điện Biên, xã Khánh Thượng huyện Yên Mô với tổng mức đầu tư 15,0 tỷ đồng; dự án kiên cố hóa các tuyến đường kết nối thôn Hội Tiến 1 đến các tuyến đường trục chính đi trung tâm xã Quỳnh Lưu huyện Nho Quan với tổng mức đầu tư 15,0 tỷ đồng; dự án nâng cấp đường giao thông liên xã Sơn Lai - Quỳnh Lưu huyện Nho Quan với tổng mức đầu tư 15,0 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà học 2 tầng, 8 phòng học, nhà đa năng và các hạng mục Trường Tiểu học xã Kim Tân huyện Kim Sơn với tổng mức đầu tư 15,0 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà 2 tầng 6 lớp học và các hạng mục phụ trợ Trường Mầm non xã Yên Hưng huyện Yên Mô với tổng mức đầu tư 14,2 tỷ đồng…

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng Tám ước đạt gần 5.112,7 tỷ đồng, tăng 27,6% so với tháng 8/2022. Tính chung lại 8 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hoá toàn tỉnh ước đạt gần 41.551,8 tỷ đồng, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các nhóm hàng hoá đều có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó các nhóm hàng có tốc độ tăng cao là: lương thực, thực phẩm ước đạt 11.977,2 tỷ đồng, tăng 66,3%; hàng may mặc 2.865,7 tỷ đồng, tăng 53,6%; vật phẩm văn hoá, giáo dục 476,8 tỷ đồng, tăng 49,8%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 368,4 tỷ đồng, tăng 43,9%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 1.275,7 tỷ đồng, tăng 48,0%; hàng hoá khác 908,1 tỷ đồng, tăng 43,8%...

Trong tháng Tám, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống toàn tỉnh ước đạt gần 674,0 tỷ đồng tăng 22,0% so với tháng 8/2022; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 9,0 tỷ đồng, gấp 5,1 lần cùng tháng năm trước; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt 491,2 tỷ đồng, tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống thực hiện trên toàn tỉnh ước đạt 5.452,9 tỷ đồng tăng 72,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành 41,8 tỷ đồng, gấp 5,7 lần; doanh thu một số ngành dịch vụ khác 3.908,5 tỷ đồng, tăng 47,6%.

4.2. Chỉ số giá

Giá xăng dầu diezen, giá gạo, giá thịt lợn hơi tăng là những nguyên nhân chính tác động làm chỉ số giá tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ chung (CPI) trên địa bàn tỉnh trong tháng Tám tăng 0,53% so với tháng trước. Đây là lần tăng thứ tư liên tiếp của CPI kể từ tháng Năm năm nay. So với tháng 12/2022 CPI tăng 2,19% và so với tháng 8/2022 CPI tăng 1,23%. Bình quân CPI trong 8 tháng đầu năm 2023 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, thị trường giá cả hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhìn chung diễn biến theo chiều hướng tăng. Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có 06 nhóm có chỉ số giá tăng và 05 nhóm giữ chỉ số ổn định. Các nhóm có chỉ số giá tăng gồm: nhóm giao thông tăng 3,81% tác động mạnh nhất làm tăng CPI chung toàn tỉnh, nguyên nhân do trong tháng giá xăng, dầu diezen được điều chỉnh tăng, theo đó so với tháng trước giá xăng đã tăng 10,0%, giá dầu diezen tăng 15,91% tác động làm giá nhóm nhiên liệu tăng 9,79%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,6% (trong đó: nhóm lương thực tăng 3,84%, chủ yếu do giá gạo tăng 5,94% khi nguồn cung gạo trên thị trường thế giới giảm; nhóm thực phẩm tăng 0,33% do giá thịt lợn hơi và các sản phẩm từ thịt đều duy trì đà tăng từ các tháng trước, tuy nhiên mức tăng đã giảm do dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm và dần được khống chế nên nguồn cung thịt lợn hơi tăng trở lại, giá thịt lơn hơi tăng 2,04% (trong khi tháng trước tăng 10,57%); giá nội tạng động vật tăng 1,6% (tháng trước tăng 10,7%) làm giá nhóm thịt gia súc tăng 1,57%; giá thịt chế biến tăng 1,75% (tháng trước tăng 7,86%); nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,02%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,48%; nhóm giáo dục tăng 0,08%; nhóm nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và nhóm hàng hoá và dịch vụ khác lần lượt tăng 0,02% và 0,01%. Năm nhóm có chỉ số giá ổn định là: nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông.

CPI bình quân 8 tháng 2023 tăng 2,5% so với cùng kỳ. Có đến 09/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng lần lượt là: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng cao nhất 5,26%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,47% (lương thực tăng 4,77%; thực phẩm tăng 4,06%; ăn uống ngoài gia đình tăng 5,43%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,44%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,78%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,87%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,68%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,25%; nhóm giáo dục tăng 0,96%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,02%. Hai nhóm còn lại có chỉ số giá giảm: nhóm giao thông giảm 4,77%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,08%.

Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ: Chỉ số giá vàng tháng Tám tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 4,7% so với tháng 12/2022 và tăng 6,14% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng này tăng 0,78% so với tháng 7/2023, tăng 0,69% so với tháng 12 năm trước và tăng 6,14% so với tháng 8/2022. Bình quân 8 tháng năm 2023, chỉ số giá vàng tăng 2,35%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 4,45% so với bình quân 8 tháng năm 2022.

4.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Xuất khẩu: Giá trị xuất khẩu tháng Tám ước đạt gần 268,3 triệu USD, giảm 14,4% so với tháng Tám năm 2022. Tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng năm nay ước đạt 2.044,2 triệu USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: quần áo các loại 207,7 triệu USD; xi măng, clanke 505,0 triệu USD; giầy dép các loại đạt 504,1 triệu USD; camera và linh kiện 430,3 triệu USD; linh kiện điện tử 71,7 triệu USD; phôi nhôm 40,0 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô các loại 57,2 triệu USD.

Trong 8 tháng, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm sút so với cùng kỳ, một số mặt hàng giảm khá sâu như: dứa, dưa chuột đóng hộp 5,2 nghìn tấn, giảm 56,6%; nước dứa cô đặc 1,2 nghìn tấn, giảm 25,1%; quần áo các loại 38,0 triệu chiếc, giảm 21,8%; giầy dép các loại 38,1 triệu đôi, giảm 30,5%; camera và linh kiện 155,4 triệu sản phẩm, giảm 31,6%; đồ chơi trẻ em 6,5 triệu con, giảm 18,2%; thảm cói 54,7 nghìn m2, giảm 48,1%; sản phẩm cói khác 783,1 nghìn sản phẩm giảm 36,6%.

Một số mặt hàng giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: phân urê 32,7 nghìn tấn, tăng 73,7%; xi măng, clanke 11,7 triệu tấn, tăng 47,3%; kính quang học 1,1 triệu chiếc, tăng 45,7%; phôi nhôm 14,7 nghìn tấn, tăng 2,4%; linh kiện, phụ tùng ô tô các loại 57,2 triệu USD, tăng 61,3%.

Nhập khẩu: Giá trị nhập khẩu tháng Tám ước đạt gần 253,3 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng tháng năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu 8 tháng năm nay ước đạt 1.857,9 triệu USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giá trị các mặt hàng chủ yếu là: ô tô 45,9 triệu USD; vải may mặc 76,9 triệu USD; phụ liệu sản xuất giầy dép 331,3 triệu USD; linh kiện điện tử 536,6 triệu USD; linh kiện ô tô các loại 573,2 triệu USD.

4.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

          Vận tải hành khách: ước thực hiện trong tháng Tám đạt gần 3,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 37,9% và luân chuyển trên 180,7 triệu lượt khách.km, tăng 45,3% so với thực hiện tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, khối lượng hành khách vận chuyển thực hiện toàn tỉnh ước đạt trên 29,1 triệu lượt khách, tăng 77,9% và luân chuyển gần 1.411,9 triệu lượt khách.km, tăng 74,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải đường bộ ước đạt 23,2 triệu lượt khách, tăng 65,2% và 1.388,3 triệu lượt khách.km, tăng 73,7%; vận tải đường thủy nội địa 5,9 triệu lượt khách, gấp trên 2,5 lần và 23,6 triệu lượt khách.km, gấp trên 2,6 lần.

Vận tải hàng hóa: trong tháng Tám, khối lượng hàng hóa vận chuyển toàn tỉnh ước thực hiện gần 12,1 triệu tấn, tăng 31,2% so với tháng 8/2022 và luân chuyển gần 1.584,8 triệu tấn.km, tăng 21,7%. Tính chung cả 8 tháng, khối lượng hàng hoá vận chuyển toàn tỉnh ước đạt gần 93,4 triệu tấn, tăng 55,3% và luân chuyển gần 12.345,6 triệu tấn.km, tăng 30,5% so với 8 tháng đầu năm 2022. Trong đó: vận tải đường bộ ước đạt 34,3 triệu tấn, tăng 54,9% và 1.513,1 triệu tấn.km, tăng 30,2%; vận tải đường thủy nội địa 54,3 triệu tấn, tăng 58,7% và 8.192,5 triệu tấn.km, tăng 31,1%; vận tải biển 4,8 triệu tấn, tăng 27,3% và 2.640,0 triệu tấn.km, tăng 29,1%.

Doanh thu vận tải: Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải toàn tỉnh thực hiện trong tháng ước đạt trên 1.431,2 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng tháng năm trước. Tính trong 8 tháng, doanh thu hoạt động vận tải ước đạt gần 11.194,4 tỷ đồng, tăng 36,0% so với 8 tháng 2022. Trong đó phân theo loại hình vận tải: vận tải hành khách ước thực hiện 1.395,5 tỷ đồng, tăng 85,7%; vận tải hàng hóa 8.768,1 tỷ đồng, tăng 34,5%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải 1.022,3 tỷ đồng, tăng 6,9%; bưu chính chuyển phát 8,5 tỷ đồng, tăng 39,7%.

4.5. Hoạt động du lịch

Khu du lịch Tam Cốc tạm thời đóng cửa để duy tu, sửa chữa từ ngày 8/7/2023, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến lượng khách thăm quan, du lịch do khách du lịch được hướng dẫn di chuyển đến các địa điểm thăm quan, du lịch khác trong tỉnh.

Tổng số lượt khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng Tám ước đạt 327,0 nghìn lượt khách, tăng 5,4% so với cùng tháng năm trước, chia ra: khách trong nước 307,0 nghìn lượt khách, tăng 2,0%; khách quốc tế 20,0 nghìn lượt khách, gấp 2,2 lần; số lượt khách đến các điểm lưu trú đạt 93,4 nghìn lượt, tăng 10,0%; số ngày khách lưu trú ước đạt 132,4 nghìn ngày.khách, tăng 6,2%. Doanh thu du lịch ước đạt 392,4 tỷ đồng, tăng 30,6%, trong đó: doanh thu lưu trú 50,1 tỷ đồng, tăng 4,4%; doanh thu ăn uống 194,4 tỷ đồng, tăng 44,7%.

Tính chung lại, 8 tháng năm 2023 tổng số lượt khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 5,2 triệu lượt khách, gấp 2,1 lần so với 8 tháng năm 2022. Chia ra: khách trong nước 4,9 triệu lượt, gấp 2,0 lần; khách quốc tế 0,3 triệu lượt, gấp 5,2 lần. Tổng số khách đến các cơ sở lưu trú ước đạt 847,6 nghìn lượt khách, tăng 76,7%; số ngày khách lưu trú ước đạt gần 1,2 triệu ngày.khách, tăng 73,0%. Doanh thu du lịch ước thực hiện gần 4.640,4 tỷ đồng, gấp 2,4 lần, trong đó: doanh thu lưu trú 440,3 tỷ đồng, tăng 52,2%; doanh thu ăn uống 2.215,1 tỷ đồng, gấp 2,6 lần; doanh thu bán hàng cho khách du lịch 407,0 tỷ đồng, gấp 2,2 lần.

   5. Một số vấn đề xã hội

            5.1. Văn hoá thông tin

Hoạt động văn hóa thông tin trong tháng diễn sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, hướng tới Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt  Nam (02/9/1945-02/9/2023)…bằng các hình thức như: kẻ vẽ, chăng treo cờ, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, băng rôn; trên hệ thống thông tin điện tử, đài truyền hình, đài truyền thanh các cấp.

Trong tháng, Nhà hát Chèo Ninh Bình đã tổ chức 18 buổi biểu diễn nghệ thuật và chương trình ca múa nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân. Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức 40 buổi chiếu phim lưu động phục vụ khán giả. Bảo tàng tỉnh đón tiếp 265 lượt khách tham quan. Thư viện luân chuyển 46,6 nghìn lượt sách báo phục vụ bạn đọc.

5.2. Thể dục thể thao

Trong tháng, tiếp tục công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao thành tích cho vận động viên và thành lập các đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải thể thao trong nước và quốc tế, đạt được 57 huy chương các loại, gồm 15 huy chương Vàng, 13 huy chương Bạc và 29 huy chương Đồng. Ngoài ra, phối hợp với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức thành công giải Bóng chuyền trẻ Cúp câu lạc bộ năm 2023, tham dự gồm 10 đội Bóng chuyền nam và 10 đội Bóng chuyền nữ; Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ninh Bình và các ngành chức năng tổ chức khai mạc Giải bóng đá nhi đồng Cúp Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ninh Bình lần thứ XXV, năm 2023, tham dự Giải có 8 đội bóng đá nhi đồng xuất sắc đến từ 8 huyện, thành phố với hơn 100 vận động viên. 

Đối với thể thao quần chúng: tổ chức thành công Đại hội Liên đoàn võ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2023-2028; tổ chức thành công Giải Bóng đá nhi đồng năm 2023 tại các huyện, thành phố: Ninh Bình, Gia Viễn và Hoa Lư. Các giải thể thao quần chúng thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao thể chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

5.3. Y tế [1]

Số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, trong tháng, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 05 ổ dịch sốt xuất huyết tại các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan và thành phố Tam Điệp. Ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chủ động trong công tác giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến điều trị, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

Trong tháng, đã xảy ra 24 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm; 27 ca mắc sốt xuất huyết; 314 ca mắc tiêu chảy; 655 ca mắc cúm; 08 ca tay chân miệng... Tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh đã khám bệnh cho 104,1 nghìn lượt bệnh nhân; điều trị nội trú cho 15,8 nghìn lượt người; khám phụ khoa 4,3 nghìn lượt, khám thai 6,7 nghìn lượt, đặt vòng 919 ca, triệt sản 16 ca.

Cũng trong tháng, đã phát hiện mới 02 người nhiễm HIV, có 01 trường hợp tử vong do AIDS. Lũy tích số người nhiễm HIV là 2.927 người.

5.4. Giáo dục

Trong tháng, ngành Giáo dục tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 như: đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học.

 Bên cạnh đó, tổ chức cho các em học sinh tham dự các cuộc thi trong nước và quốc tế, đạt được nhiều thành tích nổi bật như: tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi các trường Trung học phổ thông chuyên Khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ lần thứ XIV năm 2023 tại tỉnh Thái Nguyên, đạt được 09 huy chương Vàng, 14 huy chương Bạc, 23 huy chương Đồng và 14 giải Khuyến khích; tham gia Trại hè Hùng Vương lần thứ XVII năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 04 - 06/8, đạt được 10 huy chương Vàng, 38 huy chương Bạc và 12 huy chương Đồng; tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới WICO 2023 tại Hàn Quốc từ ngày 27 - 29/7/2023, đoàn tỉnh Ninh Bình gồm 05 học sinh của các trường Trung học phổ thông: Chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình - Bạc Liêu, Đinh Tiên Hoàng, Trương Hán Siêu. Kết quả đoàn Ninh Bình đạt Huy chương Vàng; tham dự đấu trường Toán học Châu á AIMO tổ chức tại Malaysia, đạt được 02 huy chương Bạc.

5.5. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội[2]

Trong tháng, lực lượng an ninh đã mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến giao thông đường bộ; thành lập tổ công tác, tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình; tổ chức tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn trên các tuyến giao thông, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các tuyến đường trọng điểm, thường xảy ra tình trạng lạng lách, đánh võng, gây rối an ninh trật tự, mất an toàn giao thông, do đó đã phát hiện và ngăn chặn được nhiều vụ việc.

Trong tháng (từ 15/7/2023 - 14/8/2023) toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 05 người và 09 người bị thương; đã xảy ra 26 vụ phạm pháp hình sự với 64 đối tượng; phát hiện 24 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý với 29 đối tượng. Xảy ra 01 vụ cháy, không gây thiệt hại về người và tài sản./.



[1] Số liệu của Sở Y tế  từ ngày 15/7/2023 đến ngày 14/8/2023

[2] Số liệu của Công an tỉnh từ ngày 15/7/2023 đến ngày 14/8/2023

 





CÁC BÀI KHÁC


330638

41
38
330638