Hôm nay, thứ 5 05/09/2024
Tìm kiếm:  

THÔNG TIN THỐNG KÊ THÁNG


 1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tháng là đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ Đông; tiếp tục phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng và chăm sóc, phòng bệnh cho các đối tượng nuôi thủy sản.

1.1. Nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

Thu hoạch vụ Mùa: Trong tháng, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc thu hoạch lúa và các loại cây trồng vụ Mùa. Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa năm 2023 đạt 36,7 nghìn ha, giảm 1,6% (- 0,6 nghìn ha) so với cùng vụ năm trước; riêng diện tích lúa đạt 31,2 nghìn ha, giảm 0,9% (- 0,3 nghìn ha). Sản xuất vụ Mùa năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết đầu vụ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng phần nào đến tiến độ làm đất và gieo cấy vụ Mùa, đến cuối vụ xuất hiện những trận mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và các địa phương, cùng sự nỗ lực cố gắng của bà con nông dân, nhìn chung các loại cây trồng vụ Mùa vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

Năng suất lúa toàn tỉnh sơ bộ vụ Mùa đạt 54,23 tạ/ha, tăng 0,05% (+ 0,03 tạ/ha); sản lượng đạt 169,0 nghìn tấn, giảm  0,8% (- 1,4 nghìn tấn) so với cùng vụ năm trước (nguyên nhân sản lượng giảm chính là do giảm diện tích). Năng suất ngô sơ bộ đạt 37,8 tạ/ha, tăng 1,7% (+ 0,6 tạ/ha); sản lượng đạt 4,5 nghìn tấn, giảm 6,4% (- 0,3 nghìn tấn) do diện tích ngô vụ Mùa năm 2023 chỉ đạt gần 1,2 nghìn ha, giảm 7,9% (- 0,1 nghìn ha) so với vụ Mùa năm 2022...

Sản xuất vụ Đông: Tính đến ngày 22/11, toàn tỉnh trồng được 6,0 nghìn ha cây vụ Đông, đạt 76,6% kế hoạch diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2023. Trong đó gồm: 1,3 nghìn ha ngô; 0,2 nghìn ha khoai lang, 0,2 nghìn ha lạc và 4,2 nghìn ha rau, đậu các loại...  Diện tích cây vụ Đông trồng tập trung chủ yếu ở các địa phương là: huyện Nho Quan 1,2 nghìn ha, huyện Yên Khánh 1,4 nghìn ha, huyện Yên Mô 1,4 nghìn ha...

Đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi, sâu bệnh ít xuất hiện, các loại cây trồng vụ Đông đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt. Các địa phương tiếp tục triển khai trồng cây vụ Đông đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất và tập trung chăm sóc, thu hoạch một số loại rau vụ Đông.

1.1.2. Chăn nuôi

Tại thời điểm báo cáo đàn trâu ước đạt 13,0 nghìn con, tăng 0,2% (+ 22 con); đàn bò ước đạt 35,2 nghìn con, tăng 0,3% (+0,1 nghìn con) so với cùng thời điểm năm trước; tổng đàn lợn ước đạt 280,1 nghìn con, tăng 0,8% (+ 2,2 nghìn con); tổng đàn gia cầm ước đạt 6,8 triệu con, tăng 4,0% (+ 0,3 triệu con), trong đó đàn gà ước đạt 4,7 triệu con, tăng 2,6% (+ 0,1 triệu con).

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng, dịch bệnh trên đàn gia cầm, trâu, bò tiếp tục được khống chế, kiểm soát, không xuất hiện các ổ dịch truyền nhiễm.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Tính đến ngày 21/11/2023, toàn tỉnh còn 23 xã/7 huyện, thành phố có ổ dịch chưa qua 21 ngày. Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra không có quy luật dịch tễ rõ ràng, mầm bệnh luôn tồn tại trong môi trường và luôn có nguy cơ bùng phát nên ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất chăn nuôi.

Công tác tiêm phòng vắc xin trên đàn gia, súc gia cầm vụ Thu Đông: Tính đến ngày 20/11/2023, các địa phương đã tổ chức tiêm phòng được như sau: Vắc xin phòng bệnh Dại trên đàn chó 35.864 con, đạt 84,2% kế hoạch trong diện tiêm phòng; vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò 17.668 con, đạt 84,0% kế hoạch; vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò 16.000 con; vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm trên đàn gia cầm 2,2 triệu con (tương đương 3,8 triệu liều).

1.2. Lâm nghiệp

Công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng thường xuyên được các ngành, các cấp quan tâm, trong tháng không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng Mười một ước đạt 14,0 ha, tăng 24,2% (+ 2,7 ha) so với cùng tháng năm trước; số cây trồng phân tán ước đạt 42,1 nghìn cây, tăng 1,9% (+ 0,8 nghìn cây); sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2,4 nghìn m3, tăng 1,6% (+ 0,04 nghìn m3) ; sản lượng củi khai thác ước đạt 1,9 nghìn ste, giảm 1,9% (- 0,04 nghìn ste). Tính chung 11 tháng năm nay, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 0,3 nghìn ha, tăng 65,7% (+ 0,1 nghìn ha) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 23,8 nghìn m3, tăng 1,0% (+ 0,2 nghìn m3); sản lượng củi khai thác 21,4 nghìn ste, giảm 2,0% (- 0,4 nghìn ste).

1.3. Thủy sản

Trong tháng, thời tiết tương đối thuận lợi, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, các con nuôi thủy sản sinh trưởng và phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, các hộ nuôi đang tiến hành thu hoạch sản phẩm của chu kỳ sản xuất trong năm và chuẩn bị cho công tác vệ sinh, tôn tạo ao, đầm, tìm nguồn giống tốt để nuôi thả năm sau.

Sản lượng thủy sản tháng Mười một ước đạt 5,7 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 5,1 nghìn tấn, tăng 3,6%; sản lượng khai thác ước đạt 0,6 nghìn tấn, tăng 0,7%.

Tính chung lại, sản lượng thủy sản 11 tháng đầu năm ước đạt 62,9 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: sản lượng nuôi trồng ước đạt 56,4 nghìn tấn, tăng 3,8%; sản lượng khai thác ước đạt 6,5 nghìn tấn, tăng 1,7%.

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng Mười một đang từng bước phục hồi, ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước cao nhất kể từ đầu năm 2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng Mười một ước tính tăng 18,61% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 11,43%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,65%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,23%; duy nhất ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,61%.

So với tháng trước (tháng 10/2023), chỉ số IIP toàn tỉnh tháng này tăng 11,60%, trong đó ngành khai khoáng giảm 0,41%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,15%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,68%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,24%.

Tính chung lại 11 tháng năm 2023, chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 0,01% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó ngành khai khoáng tăng 9,12%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,37%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,00%; riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,20%.  

Giá trị sản xuất: Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong tháng Mười một ước đạt 10.518,8 tỷ đồng, tăng 16,1% so với tháng 11/2022. Trong đó: khai khoáng ước đạt 42,8 tỷ đồng, tăng 12,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo 10.356,9 tỷ đồng, tăng 16,3%; sản xuất và phân phối điện 92,7 tỷ đồng, giảm 0,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 26,4 tỷ đồng, tăng 3,2%.

Tính chung lại, giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 93.415,5 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai khoáng ước đạt 533,8 tỷ đồng, tăng 10,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo 91.611,9 tỷ đồng, tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện 968,9 tỷ đồng, tăng 4,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 300,9 tỷ đồng, tăng 8,5%.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng Mười một năm nay tăng khá so với cùng tháng năm trước như: đá các loại 0,3 triệu m3, tăng 11,3%; dứa đóng hộp 0,6 nghìn tấn, tăng 8,9%; nước dứa tươi 0,5 triệu lít, gấp 3,3 lần; hàng thêu 0,2 triệu m2, tăng 16,6%; phân Ure 43,9 nghìn tấn, tăng 13,4%; phân lân nung chảy 10,1 nghìn tấn, tăng 16,1%; kính nổi 35,0 nghìn tấn, tăng 12,2%; xi măng (kể cả clanke) 0,7 triệu tấn, tăng 25,4%; thép cán các loại 26,2 nghìn tấn, tăng 70,1%; linh kiện điện tử 10,0 triệu cái, tăng 29,9%; kính máy ảnh 0,2 triệu cái, gấp 2,6 lần; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 6,2 nghìn chiếc, tăng 8,6%; đồ chơi hình con vật 3,1 triệu con, gấp 2,4 lần; điện thương phẩm 0,2 tỷ Kwh, tăng 28,3%;... Bên cạnh đó vẫn có một số sản phẩm giảm sút so với cùng kỳ như: ngô ngọt đóng hộp 0,3 nghìn tấn, giảm 9,5%; quần áo các loại 3,6 triệu cái, giảm 10,6%; giày dép các loại 5,6 triệu đôi, giảm 10,3%; phân NPK 9,5 nghìn tấn, giảm 15,9%; modul camera 17,9 triệu cái, giảm 19,4%; tai nghe điện thoại di động 0,1 triệu cái, giảm 88,5%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 16,0 nghìn chiếc, giảm 43,1%; cần gạt nước ô tô 0,4 triệu cái, giảm 50,8%; điện sản xuất 63,7 triệu Kwh, giảm 15,2%;...

Tính chung 11 tháng năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: đá các loại 3,3 triệu m3, tăng 8,9%; ngô ngọt đóng hộp 2,9 nghìn tấn, tăng 21,8%; nước dứa tươi 6,3 triệu lít, tăng 71,9%; hàng thêu 1,9 triệu m2, tăng 13,4%; linh kiện điện tử 102,6 triệu cái, tăng 11,5%; kính máy ảnh 2,0 triệu cái, tăng 84,8%; nước máy thương phẩm 26,6 triệu m3, tăng 8,7%;... Tuy nhiên một số sản phẩm lại có mức sản xuất giảm sút như: thức ăn cho gia súc 23,0 nghìn tấn, giảm 8,8%; quần áo các loại 52,4 triệu cái, giảm 37,5%; giày dép các loại 53,1 triệu đôi, giảm 16,7%; găng tay 3,7 triệu đôi, giảm 17,9%; phân Ure 0,4 triệu tấn, giảm 3,8%; phân NPK 80,9 nghìn tấn, giảm 6,7%; xi măng (kể cả clanke) 6,4 triệu tấn, giảm 20,8%; modul camera 201,3 triệu cái, giảm 28,0%; tai nghe điện thoại di động 2,1 triệu cái, giảm 60,9%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 42,7 nghìn chiếc, giảm 12,5%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 0,2 triệu chiếc, giảm 22,2%; cần gạt nước ô tô 4,4 triệu cái, giảm 50,8%;…

Sản lượng tồn kho một số sản phẩm chủ yếu đến 31/10/2023: Giày dép 2,3 triệu đôi; đạm Ure 27,4 nghìn tấn; phân NPK 24,8 nghìn tấn; phân lân nung chảy 18,3 nghìn tấn; kính xây dựng 88,0 nghìn tấn; xi măng 10,2 nghìn tấn; thanh, que sắt hoặc thép không hợp kim, được cán nóng 15,0 nghìn tấn; bản vi mạch điện tử 19,5 triệu chiếc; mdul camera 17,8 triệu cái; xe ô tô từ 5 chỗ ngồi trở lên 1,9 nghìn chiếc;...

3. Vốn đầu tư thực hiện

Tổng số vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tháng Mười một năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 2.725,2 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng tháng năm trước. Chia ra: Vốn Nhà nước đạt 664,7 tỷ đồng, tăng 12,8%; vốn ngoài Nhà nước đạt 1.890,5 tỷ đồng, tăng 11,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 170,0 tỷ đồng, tăng 36,9%.

Tính chung lại, tổng vốn đầu tư thực hiện trong 11 tháng năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 28.747,5 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022. Chia ra: Vốn Nhà nước đạt 5.822,6 tỷ đồng, tăng 18,7%; vốn ngoài Nhà nước đạt 21.624,0 tỷ đồng, tăng 12,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.300,9 tỷ đồng, giảm 58,6%.

Vốn đầu tư thực hiện trong tháng của một số dự án, công trình có khối lượng lớn là:

- Khu vực đầu tư công: Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An và các dự án thành phần ước đạt 42,4 tỷ đồng; dự án Xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 và kết nối quốc lộ 10 với quốc lộ 12B ước đạt 40,0 tỷ đồng; dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 43 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Ninh Bình ước đạt 20,0 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (Giai đoạn 1) ước đạt 15,0 tỷ đồng; dự án xử lý cấp bách kè chống sạt lở thượng nguồn sông Lạng, huyện Nho Quan ước đạt 15,0 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân ước đạt 10,0 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp Trụ sở làm việc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ước đạt 10,0 tỷ đồng; dự án nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường trục chính và hệ thống thoát nước chống ngập thành phố Tam Điệp ước đạt 9,0 tỷ đồng;…

- Dự án sử dụng vốn ODA: Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ - Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn ước đạt 9,0 tỷ đồng.

- Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất, mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất camera module của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 50,2 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất giày của Công ty TNHH Giầy Adora Việt Nam ước đạt 41,6 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất giày của Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam ước đạt 38,4 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất, mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất mỹ phẩm của Công ty TNHH mỹ phẩm Global Tone 8,1 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất thep của Công ty  TNHH Thép Kyoei Việt Nam ước đạt 4,6 tỷ đồng;…

Một số dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được khởi công mới trong tháng như: Dự án xây dựng trường Mầm Non Bích Đào với tổng mức đầu tư 98,0 tỷ đồng; Đầu tư cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 43 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 94 tỷ đồng; dự án Nâng cấp tuyến đường vành đai Thị trấn Nho Quan (tuyến đường vành đai 1) với tổng mức đầu tư 52,0 tỷ đồng; dự án Xử lý cấp bách kè chống sạt lở thượng nguồn sông Lạng, huyện Nho Quan với tổng mức dự án là 39,5 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng CSHT khu dân cư xóm Mỹ Hóa xã Kim mỹ (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư là 36,7 tỷ đồng; dự án xây dựng cấp bách trạm bơm Tứ Mỹ - Ráng Phục vụ phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp xã Lạc Vân, Thượng Hòa với tổng mức đầu tư 30,0 tỷ đồng; dự án xây dựng cấp bách trạm bơm Ngọc Nhị xã Gia Thủy với tổng mức đầu tư 25,0 tỷ đồng; dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử khu vực núi Kiếm Lĩnh, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn với tổng mức đầu tư là 18,0 tỷ đồng;…

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng Mười một ước đạt gần 6.198,5 tỷ đồng, tăng 35,9% so với tháng 11/2022. Tính chung lại 11 tháng năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hoá toàn tỉnh ước đạt gần 58.699,6 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các nhóm hàng hoá đều có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó các nhóm hàng có tốc độ tăng cao là: lương thực, thực phẩm ước đạt 16.903,1 tỷ đồng, tăng 63,1%; hàng may mặc 4.072,6 tỷ đồng, tăng 49,7%; vật phẩm văn hoá, giáo dục 709,4 tỷ đồng, tăng 50,1%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 521,8 tỷ đồng, tăng 40,7%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 1.838,9 tỷ đồng, tăng 45,2%; hàng hoá khác 1.292,8 tỷ đồng, tăng 38,8%;...

Trong tháng Mười một, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống toàn tỉnh ước đạt trên 712,0 tỷ đồng tăng 17,3% so với cùng tháng năm 2022; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 7,0 tỷ đồng, gấp 5,1 lần; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt 529,5 tỷ đồng, tăng 1,3%. Tính chung 11 tháng năm nay, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống thực hiện toàn tỉnh ước đạt gần 7.487,8 tỷ đồng, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành 60,9 tỷ đồng, gấp 5,3 lần; doanh thu một số ngành dịch vụ khác 5.470,7 tỷ đồng, tăng 33,5%.

4.2. Chỉ số giá

Tiếp tục đà giảm của tháng Mười, chỉ số giá tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ chung trên địa bàn tỉnh (CPI) trong tháng Mười một ghi nhận mức giảm 0,03% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tăng 3,17% và so với cùng tháng năm trước tăng 2,88%. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2022.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ có 02 nhóm có chỉ số giá giảm gồm: nhóm giao thông giảm sâu nhất với 1,64% tác động mạnh nhất làm giảm CPI chung toàn tỉnh, nguyên nhân chính do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng theo giá xăng dầu thế giới khi nhu cầu sụt giảm do suy thoái kinh tế và mức tăng trưởng chậm toàn cầu, tồn kho của Mỹ tăng, theo đó so với tháng trước giá xăng đã giảm 4,94%, giá dầu diezel giảm 7,13% kéo theo giá nhóm nhiên liệu giảm 4,84%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,64% chủ yếu do giá điện sinh hoạt bình quân trong tháng giảm 4,18% khi thời tiết trong tháng lạnh hơn nên nhu cầu sử dụng điện của người dân giảm. Năm nhóm có chỉ số giá tăng lần lượt là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43% (trong đó: nhóm lương thực tăng 3,69%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,23%; riêng nhóm thực phẩm giữ nguyên); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,39%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,75%. Bốn nhóm còn lại giữ chỉ số giá ổn định gồm: nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

CPI bình quân 11 tháng 2023 tăng 2,62% so với 11 tháng 2022. Có đến 09/11 nhóm có chỉ số giá tăng gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 5,1%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,68%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,28%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,89% (lương thực tăng 6,65%; thực phẩm tăng 3,43%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,98%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,31%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,79%; nhóm giáo dục tăng 1,39%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,13% và nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,73%. Hai nhóm có chỉ số giá giảm gồm: nhóm giao thông giảm 2,62%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ: Chỉ số giá vàng tháng Mười một tăng 0,77% so với tháng trước, tăng 9,28% so với tháng 12/2022 và tăng 12,71% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng này tăng 0,04% so với tháng 10/2023, tăng 3,86% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,48% so với tháng 11/2022. Bình quân 11 tháng năm 2023, chỉ số giá vàng tăng 4,87%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 4,32% so với bình quân 11 tháng năm 2022.

4.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Xuất khẩu: Giá trị xuất khẩu tháng Mười một ước đạt 271,9 triệu USD, tăng 2,0% so với cùng tháng năm trước. Tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng năm nay ước đạt 2.881,9 triệu USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: quần áo các loại 270,3 triệu USD; xi măng, clanke 657,3 triệu USD; giày dép các loại 709,8 triệu USD; camera và linh kiện 629,3 triệu USD; linh kiện điện tử 111,8 triệu USD; phôi nhôm 57,2 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô các loại 88,0 triệu USD.

Trong 11 tháng, một số mặt hàng có mức xuất khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: hàng thêu 185,2 nghìn chiếc, tăng 30,2%; xi măng, clanke 15,3 triệu tấn, tăng 39,9%; kính quang học 2,0 triệu chiếc, gấp 2,1 lần; phôi nhôm 21,4 nghìn tấn, tăng 21,7%; linh kiện, phụ tùng ô tô các loại 88,0 triệu USD, tăng 74,8%; linh kiện điện tử 111,8 triệu USD, tăng 40,8%. Còn lại hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm sút so với cùng kỳ, một số mặt hàng giảm khá sâu như: dứa, dưa chuột đóng hộp 9,4 nghìn tấn, giảm 36,2%; quần áo các loại 47,5 triệu chiếc, giảm 22,2%; camera và linh kiện 205,8 triệu sản phẩm, giảm 29,7%; giày dép các loại 53,3 triệu đôi giảm 27,5%; phân ure 48,7 nghìn tấn, giảm 35,3%...

Nhập khẩu: Giá trị nhập khẩu tháng Mười một ước đạt 267,6 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng tháng năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng năm nay ước đạt 2.577,5 triệu USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: ô tô 68,7 triệu USD; vải may mặc 104,7 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày dép 458,7 triệu USD; linh kiện điện tử 794,8 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô các loại 763,9 triệu USD.

4.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

          Vận tải hành khách: ước thực hiện trong tháng Mười một đạt gần 4,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 38,4% và luân chuyển gần 204,9 triệu lượt khách.km, tăng 31,6% so với thực hiện tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm nay, khối lượng hành khách vận chuyển thực hiện toàn tỉnh ước đạt trên 41,2 triệu lượt khách, tăng 63,8% và luân chuyển trên 1.993,8 triệu lượt khách.km, tăng 59,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải đường bộ ước đạt 33,1 triệu lượt khách, tăng 55,4% và 1.961,7 triệu lượt khách.km, tăng 58,6%; vận tải đường thủy nội địa 8,1 triệu lượt khách, gấp 2,1 lần và 32,1 triệu lượt khách.km, gấp trên 2,1 lần.

Vận tải hàng hóa: trong tháng Mười một, khối lượng hàng hóa vận chuyển toàn tỉnh ước thực hiện gần 14,5 triệu tấn, tăng 27,6% so với tháng 11/2022 và luân chuyển trên 1.959,0 triệu tấn.km, tăng 23,9%. Tính chung cả 11 tháng, khối lượng hàng hoá vận chuyển toàn tỉnh ước đạt trên 134,2 triệu tấn, tăng 44,8% và luân chuyển 17.822,2 triệu tấn.km, tăng 27,0% so với 11 tháng năm 2022. Trong đó: vận tải đường bộ ước đạt 48,9 triệu tấn, tăng 45,3% và 2.144,0 triệu tấn.km, tăng 23,8%; vận tải đường thủy nội địa 78,1 triệu tấn, tăng 46,0% và 11.798,9 triệu tấn.km, tăng 26,3%; vận tải biển 7,2 triệu tấn, tăng 30,0% và 3.879,3 triệu tấn.km, tăng 31,4%.

Doanh thu vận tải: Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải toàn tỉnh thực hiện trong tháng ước đạt gần 1.728,8 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng tháng năm trước. Tính trong 11 tháng, doanh thu hoạt động vận tải ước đạt trên 16.056,8 tỷ đồng, tăng 31,7% so với 11 tháng 2022. Trong đó phân theo loại hình vận tải: vận tải hành khách ước thực hiện 1.977,0 tỷ đồng, tăng 67,9%; vận tải hàng hóa 12.604,8 tỷ đồng, tăng 30,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải 1.463,1 tỷ đồng, tăng 10,0%; bưu chính chuyển phát 11,9 tỷ đồng, tăng 32,8%.

4.5. Hoạt động du lịch

Tổng số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng Mười một ước đạt 370,1 nghìn lượt khách, tăng 10,7% so với cùng tháng năm trước, chia ra: khách trong nước 320,2 nghìn lượt khách, tăng 0,2%; khách quốc tế 49,9 nghìn lượt khách, gấp 3,4 lần; số lượt khách đến các cơ sở lưu trú đạt 136,4 nghìn lượt, tăng 40,4%; số ngày khách lưu trú ước đạt 185,7 nghìn ngày.khách, tăng 38,9%. Doanh thu du lịch ước đạt 498,4 tỷ đồng, tăng 50,4%, trong đó: doanh thu lưu trú 70,1 tỷ đồng, tăng 32,1%; doanh thu ăn uống 247,9 tỷ đồng, tăng 67,5%.

Tính chung lại, 11 tháng năm 2023 tổng số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 6.241,9 nghìn lượt khách, tăng 83,1% so với 11 tháng năm 2022. Chia ra: khách trong nước 5.845,7 nghìn lượt, tăng 76,0%; khách quốc tế 396,2 nghìn lượt gấp 4,5 lần. Tổng số khách đến các cơ sở lưu trú ước đạt 1.234,2 nghìn lượt khách, tăng 61,1%; số ngày khách lưu trú ước đạt 1.705,3 nghìn ngày.khách, tăng 57,7%. Doanh thu du lịch ước thực hiện trên 6.037,2 tỷ đồng, gấp 2,1 lần, trong đó: doanh thu lưu trú 636,8 tỷ đồng, tăng 43,7%; doanh thu ăn uống 2.907,4 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; doanh thu bán hàng cho khách du lịch 508,4 tỷ đồng, gấp 1,9 lần.

5. Một số vấn đề xã hội

5.1. Văn hoá thông tin

Hoạt động Văn hóa thông tin trong tháng diễn ra với các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước cũng như của địa phương: kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; ngày đại đoàn kết toàn dân tộc; đặc biệt các hoạt động chào mừng Festival Ninh Bình lần thứ II năm 2023 như: giao lưu, trình diễn văn hóa vùng miền; triển lãm ảnh nghệ thuật; tổ chức Liên hoan các Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống không chuyên của tỉnh; liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng....

Trong tháng, Nhà hát Chèo thực hiện 21 buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhiệm vụ chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng bóng đã thực hiện 61 buổi chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân trong tỉnh; Thư viện tỉnh thực hiện luân chuyển 59,8 nghìn lượt sách, báo tạp chí, phục vụ bạn đọc; Bảo tàng tỉnh đón tiếp và hướng dẫn 184 lượt khách tham quan.

   5.2. Thể dục thể thao

Hoạt động thể thao trong tháng tiếp tục duy trì công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao thành tích cho vận động viên tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao. Các đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải trong nước, quốc tế đạt được 17 huy chương các loại, gồm 05 huy chương Vàng 05 huy chương Bạc và 07 Huy chương Đồng. Cụ thể: đoàn VĐV Vật tham dự thi đấu Giải vô địch trẻ và thiếu niên, Vật dân tộc, Vật cổ điển, Vật tự do quốc gia lần thứ XXIV năm 2023 tại Vĩnh Phúc đoạt 01 HCV, 05 HCB và 06HCĐ; Đoàn VĐV Judo đi tham gia Giải vô địch Judo quốc gia năm 2023 tại Bình Dương đoạt 02 HCV và 01 HCĐ; Đoàn VĐV Karate đi tham gia Giải vô địch Karate quốc gia lần XXXII năm 2023 tại Lạng Sơn đạt 02 HCV.

Trong tháng, tổ chức thành công Giải cầu lông quốc tế "FELET Vietnam International Series 2023". Tham gia Giải gồm có 218 vận động viên đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Maldives, Australia, Myanmar, Singapore, Brunei, Indonesia, Đài Bắc Trung Hoa và Việt Nam; tổ chức thành công các trận đấu Bóng đá trong khuôn khổ giải Hạng nhất Quốc gia giữa CLB Bóng đá Phù Đổng Ninh Bình với đội Bóng đá Long An, giữa CLB Bóng đá Phù Đổng Ninh Bình với đội bóng đá Bà Rịa Vũng Tàu.

Thể thao quần chúng: tổ chức thành công Giải chạy việt dã Tràng An Marathon năm 2023, tham gia giải có gần 3.000 vận động viên trong nước và quốc tế với 04 cự ly chạy là: 5km; 10 km; 21km và 42km; tổ chức thành công Giải thể thao cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục lần thứ XVII, năm 2023, tham gia Giải có gần 900 vận động viên.

5.3. Y tế [1]

Ngành Y tế đã chủ động trong công tác giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng, chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp bệnh truyền nhiễm, đặc biệt dịch bệnh Covid - 19, Sốt xuất huyết, Sởi, Viêm não Nhật Bản...; kiểm tra công tác phòng, chống dịch và tập trung xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

Trong tháng, toàn tỉnh có 17 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ, không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm; 231 ca mắc sốt xuất huyết; 54 ca mắc tay-chân-miệng; 25 ca mắc thủy đậu; 64 ca viêm gan virut… Tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh đã khám bệnh cho 109,4 nghìn lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho 16,4 nghìn lượt, khám phụ khoa 2,7 nghìn lượt, khám thai 7,2 nghìn lượt, đặt vòng 239 ca, triệt sản 08 ca.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, phát hiện mới 05 người nhiễm HIV, có 01 trường hợp tử vong do AIDS.

5.4. Giáo dục

Trong tháng, Ngành Giáo dục tích cực thực hiện các phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” và “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, dạy và học”, bên cạnh đó tổ chức phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cụ thể như: tổ chức hội thi Giáo viên dạy giỏi các môn chuyên cấp tiểu học; tổ chức giao lưu “Dinh dưỡng với sức khoẻ trẻ thơ” cấp học mầm non; tổ chức hội thi Thể dục thể thao học sinh cấp tiểu học, trung học; tổ chức thành công Giải thể thao cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Ninh Bình...

5.5. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội[2]

Trong tháng, Công an tỉnh tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về ANTT; tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát huy hiệu quả của các Tổ công tác 161 trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ; thành lập các tổ công tác kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh.

Tính từ 15/10/2023 đến 14/11/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 08 người, bị thương 13 người; đã xảy ra 23 vụ phạm pháp hình sự với 45 đối tượng; phát hiện, xử lý 06 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý với 06 đối tượng; không xảy ra vụ cháy nổ.

Tính chung lại, 11 tháng đầu năm nay (tính từ 15/12/2022 đến 14/11/2023) toàn tỉnh đã xảy ra 92 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 39 người và bị thương 79 người (tăng 07 vụ, tăng 07 người chết và giảm 02 người bị thương so với 11 tháng 2022); xử lý 301 vụ phạm pháp hình sự (tăng 06 vụ); phát hiện và xử lý 282 vụ buôn bán, vận chuyển và tàng trữ chất ma túy với 332 đối tượng (giảm 09 vụ và giảm 14 đối tượng). Xảy ra 06 vụ cháy nổ, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính 620 triệu đồng./.



[1] Số liệu Y tế theo Báo cáo Kết quả hoạt động tháng 11 năm 2023 của Sở Y tế

[2] Số liệu tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội là số liệu của Công an tỉnh từ 15/10/2023 đến 14/11/2023





CÁC BÀI KHÁC


330638

41
38
330638