Hôm nay, thứ 4 16/10/2024
Tìm kiếm:  

THÔNG TIN THỐNG KÊ THÁNG


Tình hình kinh tế - xã hội tháng Tư năm 2024 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng là tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và các loại cây màu vụ Xuân; triển khai phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; đẩy mạnh công tác trồng rừng, tăng cường quản lý, phòng chống cháy rừng và thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống thủy sản, đặc biệt là tôm giống nhập vào địa bàn.

1.1. Nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành gieo trồng cây vụ Xuân, thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi nên các cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Diện tích lúa ước đạt gần 39,2 nghìn ha, đạt 100,4% kế hoạch gieo cấy lúa vụ Xuân năm 2024 toàn tỉnh, giảm 1,2% (- 0,5 nghìn ha) so với cùng vụ năm trước.

Các cây trồng khác: Diện tích gieo trồng các loại cây màu vụ Xuân đến ngày 24/4/2024 ước đạt 5.852 ha, bằng 97,2% kế hoạch, trong đó cây ngô diện tích đạt 1.400 ha, cây khoai lang 254 ha; cây lạc đạt 1.795 ha; rau đậu các loại và cây màu khác đạt 2.403 ha.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Xuân năm 2024 tiếp tục có xu hướng giảm, nguyên nhân chủ yếu do việc thu hồi đất để chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ xây dựng các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, khu dân cư; chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm,…

Đến ngày 24/4/2024, 100% diện tích lúa cấy đã được chăm sóc đợt 2; diện tích lúa trỗ là 3,5 nghìn ha, trong đó huyện Nho Quan 2,5 nghìn ha, huyện Gia Viễn 0,8 nghìn ha... Nhìn chung trên phạm vi toàn tỉnh lúa và các loại cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt do điều tiết nước hợp lý, thời tiết tương đối thuận lợi, công tác chăm sóc và phòng trừ dịch hại luôn thực hiện kịp thời.

Tình hình sâu bệnh: Hiện nay, các đối t­ượng gây hại đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng; đạo ôn cổ bông... các cấp, các ngành đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dịch hại để phòng trừ kịp thời, không phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và bảo vệ môi trường.

1.1.2. Chăn nuôi

Trong tháng, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt không phát sinh dịch bệnh. Công tác tái đàn tiếp tục được thực hiện nên tổng đàn gia súc, gia cầm ước tính đều tăng so với cùng thời điểm năm trước.

Tại thời điểm báo cáo đàn trâu đạt 12,9 nghìn con, tăng 0,3% (+ 34 con); đàn bò đạt 35,4 nghìn con, tăng 0,2% (+ 71 con); đàn lợn ước đạt 282,8 nghìn con, tăng 3,5% (+ 9,6 nghìn con); đàn gia cầm ước đạt 6,4 triệu con, tăng 5,2% (+ 0,3 triệu con), trong đó đàn gà đạt 4,4 triệu con, tăng 6,0% (+ 0,25 triệu con).

Tình hình dịch bệnh: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đến ngày 23/4/2024 còn 05 xã thuộc 03 huyện, thành phố (thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan và huyện Yên Mô) có ổ dịch chưa qua 21 ngày. Số lượng lợn bị dịch đã phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến ngày 23/4/2024 là 350 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là trên 11,8 tấn. Các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để dịch không bùng phát trở lại.

Về công tác tiêm phòng: Tính đến ngày 22/4/2024, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm phòng được các loại vắc xin như sau: Vắc xin phòng bệnh Dại chó mèo tiêm được 9.494 lượt con; vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng tiêm được 725 lượt con; vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục tiêm được 2.610 lượt con; văc xin phòng bệnh Cúm gia cầm tiêm được trên 442 nghìn lượt con.

1.2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào công tác trồng rừng, trồng cây phân tán và chăm sóc rừng ở các địa phương, đồng thời duy trì các biện pháp bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.

Diện tích trồng rừng mới trong tháng ước đạt 30,8 ha, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2,2 nghìn m3, tăng 2,4%; sản lượng củi khai thác ước đạt 2,0 nghìn ste, tăng 1,6%; số cây trồng phân tán ước đạt 73,0 nghìn cây, tăng 1,4%. Tính chung 04 tháng đầu năm 2024, diện tích trồng rừng mới ước đạt 68,9 ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 8,4 nghìn m3, tăng 2,0%; sản lượng củi khai thác ước đạt 7,6 nghìn ste, giảm 0,2%; số cây trồng phân tán ước đạt 355,4 nghìn cây, tăng 2,6%.

1.3. Thuỷ sản

Trong tháng, thời tiết tương đối thuận lợi, sản xuất thủy sản phát triển bình thường, không có dịch bệnh xảy ra. Tại vùng sản xuất nước lợ huyện Kim Sơn, phần lớn các hộ nuôi đã thả giống vụ I năm 2024, các yếu tố môi trường ổn định, con giống phát triển tốt. Số lượng tôm giống đã thả đến ngày 17/4/2024 là 66 triệu con, trong đó tôm thẻ là 44 triệu con, tôm sú là 22 triệu con. Diện tích nuôi tôm thẻ trong nhà lưới tiếp tục thu hoạch các con đạt kích cỡ thương phẩm đồng thời chăm sóc tốt số tôm còn lại để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Sản lượng thủy sản tháng Tư ước đạt 6,0 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 5,5 nghìn tấn, tăng 4,6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 0,5 nghìn tấn, tăng 2,0%. Tính chung lại, sản lượng thủy sản 04 tháng đầu năm 2024 ước đạt 22,7 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 20,5 nghìn tấn, tăng 5,3%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2,2 nghìn tấn, tăng 3,7%.

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng Tư tiếp tục gặp khó khăn như: Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị gián đoạn; giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất một số mặt hàng tăng cao; một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất để phù hợp tình hình thực tế của đơn vị,… mặc dù vậy với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng và đạt được kết quả khá so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng Tư ước tính tăng 8,02% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 14,62%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,43%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 70,66%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,37%.

So với tháng trước (tháng 3/2024), chỉ số IIP toàn tỉnh tháng này tăng 2,77%, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,50%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,21%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,57%; riêng công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 6,88%.

Tính chung lại 4 tháng đầu năm 2024 chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 5,14% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 20,49%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,16%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 93,44%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,50%.

Giá trị sản xuất: Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong tháng Tư ước đạt 8.534,4 tỷ đồng, tăng 8,6% so với tháng 4/2023. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng ước đạt 73,0 tỷ đồng, tăng 15,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo 8.354,5 tỷ đồng, tăng 8,1%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện 89,2 tỷ đồng, tăng 70,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 17,7 tỷ đồng, tăng 7,1%.

Tính chung lại, giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 30.863,9 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng ước đạt 309,1 tỷ đồng, tăng 21,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo 30.141,3 tỷ đồng, tăng 4,9%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện 344,3 tỷ đồng, tăng 93,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 69,2 tỷ đồng, tăng 7,2%.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng Tư năm nay tăng khá so với cùng tháng năm trước như: Đá các loại 0,3 triệu m3, tăng 13,7%; nước dứa tươi 0,4 triệu lít, tăng 32,1%; thức ăn gia súc 2,8 nghìn tấn, tăng 82,4%; nước khoáng không có ga 0,3 triệu lít, tăng 4,4%; giày dép các loại 5,5 triệu đôi, tăng 29,0%; phân Ure 46,4 nghìn tấn, tăng 59,5%; phân NPK 9,5 nghìn tấn, gấp 2,3 lần; phân lân nung chảy 17,1 nghìn tấn, tăng 24,8%; kính nổi 33,7 nghìn tấn, tăng 5,0%; thép cán các loại 26,7 nghìn tấn, tăng 74,5%; linh kiện điện tử 11,2 triệu cái, tăng 1,8%; tai nghe điện thoại di động 50,0 nghìn cái, tăng 24,7%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 19,0 nghìn chiếc, tăng 1,1%; cần gạt nước ô tô 0,4 triệu cái, gấp 3,4 lần; đồ chơi hình con vật 2,5 triệu con, tăng 88,2%; điện sản xuất 72,9 triệu Kwh, gấp 2,4 lần; điện thương phẩm 0,2 tỷ Kwh, tăng 8,0%; nước máy thương phẩm 2,4 triệu m3, tăng 3,7%;... Bên cạnh đó vẫn có một số sản phẩm giảm sút so với cùng kỳ như: Ngô ngọt đóng hộp 0,3 nghìn tấn, giảm 34,4%; dứa đóng hộp 0,6 nghìn tấn, giảm 9,3%; hàng thêu 79,5 nghìn m2, giảm 8,7%; quần áo các loại 4,8 triệu cái, giảm 3,7%; xi măng (kể cả clanke) 0,5 triệu tấn, giảm 19,8%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 2,4 tấn, giảm 80,6%; modul camera 16,0 triệu cái, giảm 23,1%; kính máy ảnh 57,5 nghìn cái, giảm 72,9%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 3,7 nghìn chiếc, giảm 5,6%; xe ô tô chở hàng 0,6 nghìn chiếc, giảm 0,3%;...

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Đá các loại 1,3 triệu m3, tăng 19,5%; ngô ngọt đóng hộp 1,1 nghìn tấn, tăng 8,5%; nước dứa tươi 1,6 nghìn tấn, tăng 67,5%; quần áo các loại 19,2 triệu cái, tăng 8,3%; giày dép các loại 19,8 triệu đôi, tăng 8,9%; phân Ure 0,2 triệu tấn, tăng 89,5%; phân NPK 33,4 nghìn tấn, tăng 34,7%; phân lân nung chảy 69,5 nghìn tấn, tăng 52,7%; kính nổi 0,1 triệu tấn, tăng 5,6%; thép cán các loại 0,1 triệu tấn, tăng 34,8%; cần gạt nước ô tô 1,9 triệu cái, tăng 9,9%; đồ chơi hình con vật 8,8 triệu con, tăng 99,4%; điện sản xuất 0,3 tỷ Kwh, gấp 3,1 lần; điện thương phẩm 0,8 tỷ Kwh, tăng 10,4%;... Tuy nhiên một số sản phẩm lại có mức giảm sút như: Dứa đóng hộp 2,3 nghìn tấn, giảm 8,2%; hàng thêu 0,4 triệu m2, giảm 4,5%; xi măng (kể cả clanke) 1,8 triệu tấn, giảm 16,0%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 24,0 tấn, giảm 77,5%; modul camera 64,6 triệu cái, giảm 17,7%; tai nghe điện thoại di động 0,2 triệu cái, giảm 82,5%; kính máy ảnh 0,4 triệu cái, giảm 26,5%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 13,9 nghìn chiếc, giảm 15,9%; xe ô tô chở hàng 2,3 nghìn chiếc, giảm 20,3%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 69,8 nghìn chiếc, giảm 12,2%;…

3. Vốn đầu tư và phát triển

Tổng số vốn đầu tư phát triển tháng Tư năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 2.846,5 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng tháng năm trước. Chia ra: Vốn Nhà nước đạt 518,3 tỷ đồng, tăng 10,8%; vốn ngoài Nhà nước đạt 2.112,5 tỷ đồng, tăng 5,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 215,7 tỷ đồng, gấp 2,2 lần.

Tính chung lại, tổng vốn đầu tư phát triển 4 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 10.258,8 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023. Chia ra: Vốn Nhà nước đạt 1.783,3 tỷ đồng, tăng 0,6%; vốn ngoài Nhà nước đạt 7.635,1 tỷ đồng, tăng 4,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 840,4 tỷ đồng, gấp 2,3 lần.

Vốn đầu tư thực hiện trong tháng của một số dự án, công trình có khối lượng lớn là:

- Khu vực đầu tư công: Kết quả vốn đầu tư thực hiện trong tháng của một số dự án, công trình có khối lượng lớn là: Dự án Xây dựng CSHT khu du lịch sinh thái Tràng An và các dự án thành phần ước đạt 51,3 tỷ đồng; dự án đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng chuyên dùng cho Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình ước đạt 30 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường T21 (đường Lê Duẩn) giai đoạn 1 ước đạt 25 tỷ đồng; dự án xây dựng trường Đại học Hoa Lư (giai đoạn 2) ước đạt 12 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 và kết nối quốc lộ 10 với quốc lộ 12B ước đạt 10 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1) ước đạt 10 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 12B đến trung tâm thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn ước đạt 9,5 tỷ đồng; dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ước đạt 8 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 2) ước đạt 7,5 tỷ đồng;…

- Khu vực sử dụng vốn ODA: dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ - Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ước đạt 20 tỷ đồng.

- Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài: Dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất, mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất camera module của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 74,6 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy sản xuất các công cụ dụng cụ cao cấp CIBON Ninh Bình của Công ty TNHH công nghiệp CIBON Việt Nam ước đạt 36,5 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị phụ vụ cho sản xuất hàng may mặc của công ty TNHH Great Global International 35 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất giày của Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam ước đạt trên 20 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất giày của Công ty TNHH Ever great Internation ước đạt 12,5 tỷ đồng;…

Một số dự án, công trình được khởi công mới trong tháng như: Dự án đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng chuyên dùng cho Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 43 tỷ đồng; dụa án xây dựng đường Tân Hưng giai đoạn 2 phường Phúc Thành với tổng mức đầu tư 27 tỷ đồng; Tu bổ, tôn tạo di tích đình Phù Sa, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 22,7 tỷ đồng; dự án xây dựng trạm bơm Cống Chanh, xã Khánh An, huyện Yên Khánh với tổng mức đầu tư 20,5 tỷ đồng; dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử khu vực núi Kiếm Lĩnh, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn với tổng mức đầu tư 18,1 tỷ đồng; dự án xây dựng trung tâm thể dục thể thao trường tiểu học Gia Phong với tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng; dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông và thoát nước chống ngập liên tổ 3,4,6,7 phường Tây Sơn, Thành phố Tam Điệp với tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng; dự án kiên cố hóa kết hợp đường giao thông nội đồng ngòi Yên Xuyên phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp xã Khánh An với tổng mức đầu tư là 12,8 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp công viên tại phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp giai đoạn II với tổng mức đầu tư 9,9 tỷ đồng;…

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

Bước sang tháng Tư, các hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và hoạt động vận tải kho bãi tiếp tục duy trì ở mức cao do Ninh Bình đẩy mạnh các hoạt động du lịch nhân dịp Lễ hội Hoa Lư 2024 gắn với kỷ niệm 1.100 năm Ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024), cùng chuỗi sự kiện kỷ niệm 10 năm quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014-2024).

4.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng Tư ước đạt gần 6.057,6 tỷ đồng, tăng 15,5% so với tháng 4/2023. Tính chung lại cả 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hoá toàn tỉnh đạt trên 26.665,1 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Có 11/12 nhóm hàng hóa có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó một số nhóm đạt mức tăng cao như: Lương thực, thực phẩm ước đạt 10.215,0 tỷ đồng, tăng 36,8%; hàng may mặc 1.377,8 tỷ đồng, tăng 39,8%; vật phẩm văn hóa giáo dục 146,6 tỷ đồng, tăng 43,1%; gỗ và vật liệu xây dựng 5.844,0 tỷ đồng, tăng 30,0%; xăng, dầu đạt gần 2.594,4 tỷ đồng, tăng 40,2%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) 231,6 tỷ đồng, tăng 39,5%; hàng hóa khác 365,8 tỷ đồng, tăng 39,6%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 1.238,6 tỷ đồng, tăng 38,1%... Duy nhất nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) do nhu cầu tiêu dùng giảm nên doanh thu lũy kế 4 tháng đầu năm ước tính đạt trên 1.735,1 tỷ đồng, giảm 10,6%.

Ước tính doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống trong tháng 4 năm 2024 đạt gần 779,7 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 7,7 tỷ đồng, gấp trên 8,5 lần; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt 512,7 tỷ đồng, tăng 17,5%. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống thực hiện trên toàn tỉnh ước đạt gần 3.064,0 tỷ đồng, tăng 32,0% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt trên 35,4 tỷ đồng, gấp trên 11,6 lần; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt trên 2.018,7 tỷ đồng, tăng 11,3%.

4.2. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ chung (CPI) trên địa bàn tỉnh trong tháng Tư tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 1,41% so với tháng 12/2023 và tăng 4,84% so với cùng tháng năm trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2023.

So với tháng trước, giá các nhóm hàng hóa, dịch vụ diễn biến chủ yếu theo chiều hướng tăng. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 06 nhóm có chỉ số giá tăng, 02 nhóm có chỉ số giá giảm và 03 nhóm giữ chỉ số giá ổn định. Các nhóm có chỉ số giá tăng lần lượt gồm: Nhóm giao thông tăng mạnh nhất với mức tăng 1,93% do giá xăng, dầu diezel trong nước được điều chỉnh tăng trong tháng, theo đó giá xăng đã tăng 5,01%, giá dầu diezel tăng 2,6% tác động kéo giá nhóm nhiên liệu tăng 4,86%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,95% chủ yếu do giá quần áo may sẵn tăng 1,26%, giá giày dép tăng 0,58% do chi phí vật liệu và chi phí nhân công tăng; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12% và nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,09%. Hai nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,33% (trong đó: nhóm lương thực giảm 1,16%, nhóm thực phẩm giảm 0,33%, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,03%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,13%. Ba nhóm còn lại có chỉ số giá giữ nguyên là: Nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đều có chỉ số giá tăng, cụ thể: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,2% (lương thực tăng 19,74%, thực phẩm tăng 4,92%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,44%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,44%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 5,11%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,84%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,21%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,73%; nhóm giao thông tăng 2,01%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,02%; nhóm giáo dục tăng 2,82%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,49% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,58%.

Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ: Chỉ số giá vàng tháng Tư tăng 8,58% so với tháng trước, tăng 21,48% so với tháng 12/2023 và tăng 32,41% so với cùng tháng năm 2023. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng này tăng 2,73% so với tháng 3/2024, tăng 4,72% so với tháng 12/2023 và tăng 7,38% so với tháng 4/2023. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 22,12%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 4,75%.

4.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

        Xuất khẩu: Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh trong tháng Tư ước thực hiện trên 309,3 triệu USD, tăng 7,3% so với tháng Tư năm 2023.

        Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.115,8 triệu USD,  tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Camera và linh kiện ước đạt 274,6 triệu USD; giày dép các loại 287,0 triệu USD; xi măng và clanke 201,9 triệu USD; quần áo các loại 110,9 triệu USD; linh kiện điện tử 46,9 triệu USD, linh kiện phụ tùng ô tô các loại 40,6 triệu USD...

        Bốn tháng đầu năm nay, một số mặt hàng có mức tăng khá so với cùng kỳ như: Hàng thêu ren 56,3 nghìn chiếc, tăng 14,0%; kính quang học 880,5 nghìn chiếc, tăng 83,4%; linh kiện điện tử 46,9 triệu USD, tăng 69,9%; phôi nhôm 8,2 nghìn tấn, tăng 31,9%; đồ chơi trẻ em 6,0 triệu chiếc, tăng 96,0%; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 40,6 triệu USD, tăng 82,5%; túi nhựa 738,3 tấn, gấp 3,3 lần... Tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu lại giảm sút so với cùng kỳ như: Dứa, dưa chuột đóng hộp 2,5 nghìn tấn, giảm 1,9%; nước dứa cô đặc 306 tấn, giảm 15,0%; quần áo các loại 19,0 triệu chiếc, giảm 6,3%; xi măng và clanke 5,0 triệu tấn, giảm 10,2%; camera và linh kiện 63,0 triệu sản phẩm, giảm 21,9%; phân ure 19,9 nghìn tấn, giảm 39,2%; thảm cói 18,7 nghìn m2, giảm 55,7%; sản phẩm cói khác 389,8 nghìn sản phẩm, giảm 27,1%. Một số mặt hàng giảm về số lượng nhưng lại tăng về giá trị xuất khẩu như: Quần áo các loại, camera và linh kiện.

        Nhập khẩu: Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trong tháng Tư ước thực hiện gần 260,8 triệu USD, tăng 33,0% so với cùng tháng năm 2023.

        Tính chung lại, 4 tháng đầu năm nay tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 987,2 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá các nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện điện tử gần 352,1 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 189,0 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 258,6 triệu USD; vải may mặc các loại 38,0 triệu USD; máy móc thiết bị 9,0 triệu USD.

4.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

        Vận tải hành khách: Ứớc thực hiện trong tháng Tư đạt gần 4,0 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 19,9% so với tháng 4/2023 và luân chuyển trên 183,4 triệu lượt khách.km, tăng 15,7%. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, khối lượng hành khách vận chuyển thực hiện toàn tỉnh ước đạt trên 17,9 triệu lượt khách, tăng 24,8% và luân chuyển gần 838,9 triệu lượt khách.km, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải đường bộ ước đạt 14,4 triệu lượt khách, tăng 28,6% và 825,2 triệu lượt khách.km, tăng 23,4%; vận tải đường thủy nội địa 3,5 triệu lượt khách, tăng 11,1% và 13,7 triệu lượt khách.km, tăng 9,2%.

Vận tải hàng hóa: Trong tháng Tư, khối lượng hàng hóa vận chuyển toàn tỉnh ước thực hiện gần 12,4 triệu tấn, tăng 13,3% và luân chuyển trên 1.640,4 triệu tấn.km, tăng 13,6% so với cùng tháng năm trước. Tính chung cả 4 tháng, khối lượng hàng hoá vận chuyển toàn tỉnh đạt gần 58,0 triệu tấn, tăng 26,8% và luân chuyển trên 7.700,6 triệu tấn.km, tăng 25,8% so với 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó: Vận tải đường bộ ước đạt 21,0 triệu tấn, tăng 25,9% và 852,8 triệu tấn.km, tăng 19,9%; vận tải đường thủy nội địa 33,1 triệu tấn, tăng 26,4% và 4.739,7 triệu tấn.km, tăng 22,8%; vận tải biển 3,9 triệu tấn, tăng 36,4% và 2.108,1 triệu tấn.km, tăng 36,0%.

Doanh thu vận tải: Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải toàn tỉnh thực hiện trong tháng này ước đạt gần 1.470,8 tỷ đồng, tăng 13,0% so với cùng tháng năm trước. Tính trong 4 tháng đầu năm, doanh hoạt động vận tải ước đạt trên 6.826,4 tỷ đồng, tăng 24,2% so với 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó phân theo loại hình vận tải: Vận tải hành khách ước thực hiện 838,5 tỷ đồng, tăng 24,9%; vận tải hàng hóa 5.311,1 tỷ đồng, tăng 24,6%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải 631,4 tỷ đồng, tăng 21,4%; bưu chính chuyển phát 45,4 tỷ đồng, tăng 15,4%.

4.5. Du lịch

Trong tháng Tư, Ninh Bình tổ chức chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014 - 2024), bên cạnh đó, đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024) và Lễ hội Hoa Lư năm 2024 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Những sự kiện này thu hút đông đảo du khách đến tham quan, du lịch tại Ninh Bình.

Hoạt động du lịch trong tháng Tư tiếp tục đà tăng trưởng khá, ước tính số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng đạt 1.027,8 nghìn lượt khách, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước, chia ra: Khách trong nước 893,2 nghìn lượt, gấp 2,0 lần; khách quốc tế 134,6 nghìn lượt, gấp 4,7 lần. Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 213,9 nghìn lượt khách, gấp 2,6 lần; số ngày khách lưu trú ước đạt 234,4 nghìn ngày khách, gấp 2,1 lần. Doanh thu du lịch trong tháng ước đạt 993,8 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần so với cùng tháng năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, số lượt khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 4.934,2 nghìn lượt khách, tăng 33,8% so với 4 tháng năm 2023, chia ra: Khách trong nước 4.419,5 nghìn lượt khách, tăng 25,6%; khách quốc tế 514,7 nghìn lượt, gấp 3,0 lần. Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 852,6 nghìn lượt khách, tăng 82,4%; số ngày khách lưu trú ước đạt 936,4 nghìn ngày khách, tăng 61,6%. Doanh thu du lịch 4 tháng ước đạt gần 4.621,3 tỷ đồng, tăng 56,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu khách sạn 309,2 tỷ đồng, tăng 45,5%; doanh thu nhà hàng 2.254,9 tỷ đồng, tăng 44,9%.

5. Một số vấn đề xã hội

5.1. Giáo dục

Trong tháng, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn, ổn định nề nếp và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch thời gian năm học. Bên cạnh đó, tổ chức và tham gia các cuộc thi đạt được nhiều kết quả như:

Tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học: 02 dự án của Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A tham dự Cuộc thi: “Đánh giá hoạt tính đối kháng của cây Chuỗi ngọc (Duranta erecta L) đối với cỏ dại” và dự án “Hệ thống thông minh hỗ trợ tập phục hồi bằng sóng não” đoạt giải Triển vọng.

Tham gia Thi Olympic Toán học dành cho học sinh trung học Phổ thông chuyên năm 2024, có 10 học sinh các lớp 10, 11 chuyên Toán Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy dự thi. Kết quả 08/10 học sinh đạt giải, trong đó có 01 giải Nhì, 06 giải Ba và 01 giải Khuyến khích.

Tham dự Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh và giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cấp quốc gia. Kết quả đạt 16 giải, gồm: 04 giải Ba, 12 giải Khuyến khích của học sinh, trong đó cấp Trung học cơ sở: 01 giải Ba và 04 giải Khuyến khích; cấp Trung học phổ thông: 03 giải Ba và 08 giải Khuyến khích.

Tham dự Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn quốc gia cấp tiểu học năm học 2023-2024: Đoàn tuyển Ninh Bình gồm 02 giáo viên và 10 học sinh tiểu học tham gia giao lưu. Kết quả: học sinh được xếp Nhất nội dung kiến thức, Nhì nội dung tiểu phẩm, được Ban Tổ chức trao Cờ xuất sắc và được Công ty Toyota Việt Nam trao tặng “Mô hình thiết bị dạy học ATGT”.

Tham dự vòng chung kết Kỳ thi Olympic Tin học Miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ V, năm 2024: Gồm 16 thí sinh tham gia dự thi. Kết quả: Đạt 03 giải Vàng, 01 giải Bạc, 06 giải Đồng, 06 giải  Khuyến khích.

Ngoài ra còn tổ chức các cuộc thi như: Tổ chức cuộc thi Sân chơi Ý tưởng trẻ thơ năm học 2023-2024; tổ chức Giao lưu “Tài năng Tiếng Anh Tiểu học” cấp tỉnh năm học 2023-2024; tổ chức Olympic "Tài năng tiếng Anh" và Olympic "Chinh phục IELTS" dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024; tổ chức chung kết Cuộc thi Câu lạc bộ Toán Tuổi thơ và Cuộc thi Tin học cấp THCS; tổ chức thành công Lễ khai mạc Hội khoẻ Phù Đổng tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII năm 2024.

5.2. Y tế [1]

Trong tháng, ngành Y tế đã chủ động giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp bệnh truyền nhiễm, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân.

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã  xảy ra 15 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm; 35 ca mắc thủy đậu; 20 ca chân tay miệng; 06 ca mắc lỵ amip; 02 ca mắc Rubella…

Công tác khám chữa bệnh luôn đ­ược quan tâm thực hiện: Tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh đã khám bệnh cho 109,5 nghìn lượt bệnh nhân; điều trị nội trú cho 19,1 nghìn l­ượt bệnh nhân; điều trị phụ khoa 1,4 nghìn lượt; khám thai 5,2 nghìn lượt; đặt vòng 210 ca, triệt sản 07 ca.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng phát hiện mới 06 người nhiễm HIV, số bệnh nhân HIV/AIDS tử vong là 05 người.

5.3. Văn hoá thông tin

Hoạt động Văn hóa - Thông tin trong tháng diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, thiết thực chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước và địa phương: Kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024) và Lễ hội Hoa Lư năm 2024; Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2024), ngày Quốc tế lao động 01/5… Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Kẻ vẽ, chăng treo pa nô, băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính, các trung tâm đô thị và nơi tập trung đông dân cư, tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thi đấu thể thao, triển lãm ảnh…

       Trong tháng, Nhà hát Chèo đã tổ chức 14 buổi biểu diễn nghệ thuật và chương trình ca múa nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân. Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã thực hiện 23 buổi chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân. Thư viện tổ chức luân chuyển 33,5 nghìn lượt sách báo, tạp chí phục vụ người đọc. Bảo tàng tỉnh hướng dẫn và đón tiếp 182 lượt khách tham quan.

5.4. Thể dục thể thao

Trong tháng, tiếp tục duy trì công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao thành tích cho vận động viên thành tích cao của tỉnh và cử các vận động viên tham gia thi đấu các giải thể thao trong nước, đạt được 41 huy chương các loại, gồm 08 huy chương Vàng, 18 huy chương Bạc và 15 huy chương Đồng. Ngoài ra, đoàn vận động viên tham gia giải Vô địch Việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” lần thứ 29 năm 2024, xếp thứ 06 trong tốp 10 cá nhân; đoàn VĐV Bóng chuyền nữ LPBank Ninh Bình tham dự giai đoạn I Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia cúp Hóa chất Đức Giang năm 2024 tại Bình Phước, xếp thứ 3/9 đội; đoàn VĐV Bóng chuyền nam tham dự giải Bóng chuyền vô địch quốc gia cúp Hóa chất Đức Giang gia đoạn I năm 2024 tại Hà Tĩnh, xếp thứ 5/9 đội; Đoàn VĐV Bóng chuyền nữ LPBank Ninh Bình tham dự giải Bóng chuyền cúp Hùng Vương tại Phú Thọ xếp thứ Nhì.

Bên cạnh đó tổ chức thành công Lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII năm 2024, tham gia gồm có 36 đoàn, với 2.800 vận động viên đến từ Phòng Giáo dục và Đào tạo 8 huyện, thành phố, các Trường THPT trong toàn tỉnh; tổ chức thành công Giải chạy "Cúc Phương Jungle Paths năm 2024" với chủ đề "Chạy để bảo tồn" tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, tham gia giải có hơn 2.000 vận động viên, trong đó có hơn 200 vận động viên là người nước ngoài; tổ chức thành công Giải vô địch Vật dân tộc Quốc gia lần thứ 28 năm 2024 tại Sân lễ hội Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tham dự giải gồm có 250 vận động viên của các tỉnh, thành trong toàn quốc.

5.5. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội[2]

Trong tháng, lực lượng công an trong tỉnh đã chủ động kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; huy động tối đa lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh trật tự tại Lễ kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tính từ 15/3/2024-14/4/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 07 người và 08 người bị thương; xảy ra 24 vụ phạm pháp hình sự với 41 đối tượng; phát hiện 20 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý với 25 đối tượng. Không xảy ra vụ cháy, nổ./.



[1] Theo Báo cáo kết quả hoạt động y tế tháng 4 của Sở Y tế

[2] Số liệu vê tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là số liệu từ 15/3/2024 đến 14/4/2024.

 





CÁC BÀI KHÁC


334079

11
549
334079