Hôm nay, thứ 5 05/09/2024
Tìm kiếm:  

THÔNG TIN THỐNG KÊ THÁNG


 Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng Năm năm 2024


1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh tháng Năm năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các địa phương tập trung chăm sóc lúa và các loại cây màu trong vụ; phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi; triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân Hè; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng; phòng chống dịch bệnh trên thuỷ sản và làm tốt công tác kiểm dịch tôm giống về địa bàn.

1.1. Nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

Vụ lúa Đông Xuân năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy đạt 39,5 nghìn ha, giảm 0,2% so với cùng vụ năm trước; năng suất lúa ước đạt 66,81 tạ/ha, tương đương với vụ Đông Xuân năm 2023; sản lượng thu hoạch ước đạt 264,2 nghìn tấn, giảm 0,2%. Tính đến ngày 22/5/2024, diện tích lúa thu hoạch đạt 3,0 nghìn ha, bằng 7,6% diện tích lúa đã cấy, trong đó huyện Nho Quan 2,4 nghìn ha, huyện Gia Viễn 0,6 nghìn ha.

Tình hình sâu bệnh trên lúa: Tính đến ngày 22/5/2024, trên diện tích lúa đã cấy xuất hiện một số loại sâu bệnh hại lúa như: Đạo ôn cổ bông với diện tích nhiễm 5,0 ha, trong đó có 0,5 ha nhiễm nặng, diện tích đã được phòng trừ 4,4 nghìn ha; rầy lứa 3 nhiễm 170 ha, trong đó nhiễm nặng là 12 ha, diện tích đã được phòng trừ là 60 ha; khô vằn nhiễm 7,4 nghìn ha, trong đó nhiễm nặng 0,7 nghìn ha, diện tích đã được phòng trừ 12,0 nghìn ha…  

Công tác bảo vệ thực vật luôn được các cấp, các ngành quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt, bà con nông dân bám sát đồng ruộng, phun trừ kịp thời, hiệu quả, qua đó đã giảm thiểu tới mức thấp nhất tác hại của sâu bệnh cũng như nạn chuột phá.

Hiện nay, các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa ngoài đê để tránh lũ Tiểu mãn. Các địa phương trong tỉnh thực hiện triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa năm 2024.

1.1.2. Chăn nuôi

Trong tháng, giá lợn hơi có xu hướng tăng tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi yên tâm thực hiện công tác tái đàn. Tại thời điểm báo cáo, tổng đàn trâu, bò ước đạt gần 48,3 nghìn con, tăng 0,2% (+ 0,11 nghìn con) so với cùng thời điểm năm trước, trong đó: Đàn trâu đạt 12,9 nghìn con, tăng 0,1% (+ 0,01 nghìn con); đàn bò đạt 35,4 nghìn con tăng 0,3% (+ 0,1 nghìn con). Tổng đàn lợn ước đạt 282,9 nghìn con, tăng 3,1% (+ 8,4 nghìn con); đàn gia cầm ước đạt 6,4 triệu con, tăng 3,3% (+ 0,2 triệu con), trong đó đàn gà ước đạt 4,4 triệu con, tăng 3,5%     (+ 0,15 triệu con).

Tình hình dịch bệnh: Dịch tả lợn Châu Phi có xu hướng tái phát nhanh ở một số địa phương. Tính đến ngày 21/5/2024, toàn tỉnh còn 11 xã thuộc 4 huyện, thành phố có ổ dịch chưa qua 21 ngày, bao gồm các huyện Yên Mô, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Số lợn tiêu hủy từ đầu năm đến ngày 20/5/2024 là 630 con, trọng lượng tiêu hủy là 32 tấn.

Các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch như thực hiện vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng,… nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và phát sinh ra diện rộng. Ngày 03/5/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 225/QĐ-SNN về việc thành lập Đoàn công tác thực hiện kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và công tác tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Đến ngày 21/5/2024, toàn tỉnh đã tiêm phòng được: Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm 1.599.633 lượt con, đạt 72,8% kế hoạch; vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò 17.355 lượt con, đạt 50,2%; vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng 675 lượt con đạt 93,0% và vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo 38.225 lượt con, đạt 72,0%.

1.2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào công tác trồng rừng, trồng cây phân tán; chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng.

Trong tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 13,2 ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước (+ 0,2 ha); sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2,2 nghìn m3, tăng 2,8% (+ 0,06 nghìn m3); sản lượng củi khai thác đạt 2,0 nghìn ste, tăng 1,7% (+ 0,03 nghìn ste). Số cây lâm nghiệp trồng phân tán trong tháng ước đạt 40,0 nghìn cây, tăng 5,8% (+ 2,2 nghìn cây). Tính chung lại, trong 5 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới ước đạt 82,1 ha, tăng 2,9% (+ 2,3 ha); sản lượng gỗ khai thác ước đạt 10,6 nghìn m3, tăng 2,2% (+ 0,2 nghìn m3); sản lượng củi khai thác đạt 9,6 nghìn ste, tăng 0,5% (+ 0,05 nghìn ste). Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 395,4 nghìn cây, tăng 2,9% (+ 11,1 nghìn cây).

1.3. Thủy sản

Sản xuất thủy sản trong tháng phát triển ổn định, thời tiết thuận lợi, không có dịch bệnh xảy ra. Sản xuất ngao, hàu giống phát triển tốt; các hộ nuôi thủy sản trên ruộng lúa đang chuẩn bị con giống, vật tư để chuẩn bị nuôi thả trên diện tích ruộng cấy lúa một vụ đã được thu hoạch.

Sản lượng thủy sản tháng Năm ước đạt 6,0 nghìn tấn, tăng 4,0% so với cùng tháng năm trước, chia ra: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5,4 nghìn tấn, tăng 4,0%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 0,6 nghìn tấn, tăng 3,9%.

Tính chung lại, sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 28,8 nghìn tấn, tăng 5,1%  (+ 1,4 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 15,5 nghìn tấn, tăng 5,0%; tôm đạt 0,9 nghìn tấn, tăng 15,0%; thủy sản khác đạt 12,4  nghìn tấn, tăng 4,6%. Sản lượng tôm tăng cao so với cùng kỳ năm trước một mặt do việc áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh hiệu quả, mặt khác do việc phát triển nuôi tôm càng xanh ở huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp bước đầu thu hút được nhiều hộ tham gia, diện tích nuôi được mở rộng. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 25,9 nghìn tấn, tăng 5,1% (+ 1,3 nghìn tấn); sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2,9 nghìn tấn, tăng 5,4% (+ 0,1 nghìn tấn).

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp tháng Năm trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá tích cực so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Toàn tỉnh tháng Năm ước tính tăng 0,75% so với tháng trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,25%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,85%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,87%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,53%.

So với cùng tháng năm trước (tháng 5/2023), chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 9,85%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 7,54%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,37%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,13%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,49%.

Tính chung lại 5 tháng đầu năm 2024 chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 5,75%, trong đó ngành khai khoáng tăng 18,89%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,12%; sản xuất và phân phối điện tăng 63,61%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,19%.

Giá trị sản xuất: Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng Năm ước đạt 9.053,7 tỷ đồng, tăng 10,8% so với tháng 5/2023. Trong đó: Khai khoáng ước đạt 80,2 tỷ đồng, tăng 8,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo 8.854,3 tỷ đồng, tăng 11,0%; sản xuất và phân phối điện 105,7 tỷ đồng, giảm 1,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 13,5 tỷ đồng, tăng 10,2%.

Tính chung lại, giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 39.725,2 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khai khoáng ước đạt 392,7 tỷ đồng, tăng 19,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo 38.795,6 tỷ đồng, tăng 5,7%; sản xuất và phân phối điện 458,9 tỷ đồng, tăng 60,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 78,0 tỷ đồng, tăng 7,6%.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện tháng Năm năm 2024 có mức sản xuất tăng khá so với cùng kỳ như: Đá các loại 0,3 triệu m3, tăng 7,1%; giày dép các loại 5,7 triệu đôi, tăng 20,6%; phân NPK 13,5 nghìn tấn, tăng 77,6%; phân lân nung chảy 16,1 nghìn tấn, tăng 54,8%; xi măng (kể cả clanke) 0,7 triệu tấn, tăng 21,8%; thép cán các loại 27,8 nghìn tấn, tăng 71,6%; linh kiện điện tử 11,5 triệu cái, tăng 33,7%; ắc quy điện axit-chì dùng để khởi động cơ pittong 58,0 nghìn Kwh, tăng 16,0%; xe ô tô chở hàng 0,7 nghìn chiếc, tăng 60,7%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 17,3 nghìn chiếc, tăng 20,1%; cần gạt nước ô tô 0,4 triệu cái, tăng 26,4%; đồ chơi hình con vật 3,4 triệu con, gấp 2,7 lần; điện thương phẩm 0,2 tỷ Kwh, tăng 14,5%; nước máy thương phẩm 2,5 triệu m3, tăng 7,4%;... Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: Ngô ngọt đóng hộp 0,3 nghìn tấn, giảm 9,6%; dứa đóng hộp 0,8 nghìn tấn, giảm 7,0%; nước dứa tươi 0,6 triệu lít, giảm 40,0%; nước khoáng không có ga 0,4 triệu lít, giảm 9,3%; hàng thêu 79,5 nghìn m2, giảm 63,4%; quần áo các loại 4,4 triệu cái, giảm 21,1%; phân Ure 45,9 nghìn tấn, giảm 4,4%; modul camera 13,2 triệu cái, giảm 22,8%; tai nghe điện thoại di động 0,2 triệu cái, giảm 7,3%; kính máy ảnh 50,1 nghìn cái, giảm 76,8%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 3,2 nghìn chiếc, giảm 13,3%; búp bê 20,0 triệu con, giảm 8,0%; điện sản xuất 78,9 triệu Kwh, giảm 6,5%;...

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ là: Đá các loại 1,7 triệu m3, tăng 17,8%; nước dứa tươi 2,4 triệu lít, tăng 20,2%; giày dép các loại 25,6 triệu đôi, tăng 11,6%; phân Ure 0,2 triệu tấn, tăng 58,7%; phân NPK 49,0 nghìn tấn, tăng 51,2%; phân lân nung chảy 88,0 nghìn tấn, tăng 54,7%; thép cán các loại 0,1 triệu tấn, tăng 42,4%; linh kiện điện tử 49,1 triệu cái, tăng 5,6%; ắc quy điện axit-chì dùng để khởi động cơ pittong 0,4 triệu Kwh, tăng 76,2%; cần gạt nước ô tô 2,3 triệu cái, tăng 13,9%; đồ chơi hình con vật 12,8 triệu con, gấp 2,3 lần; điện thương phẩm 1,0 tỷ Kwh, tăng 14,0%; nước máy thương phẩm 12,3 triệu m3, tăng 5,4%;… Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức sản xuất giảm như: Dứa đóng hộp 3,4 nghìn tấn, giảm 2,5%; hàng thêu 0,4 triệu m2, giảm 30,2%; quần áo các loại 23,1 triệu cái, giảm 1,2%; xi măng (kể cả clanke) 2,6 triệu tấn, giảm 4,5%; modul camera 73,9 triệu cái, giảm 22,7%; tai nghe điện thoại di động 0,6 triệu cái, giảm 60,7%; kính máy ảnh 0,4 triệu cái, giảm 41,8%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 16,3 nghìn chiếc, giảm 19,4%; xe ô tô chở hàng 3,1 nghìn chiếc, giảm 7,1%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 82,2 nghìn chiếc, giảm 12,5%; búp bê 76,7 triệu con, giảm 24,7%;...

3. Vốn đầu tư thực hiện

Tổng số vốn đầu tư thực hiện tháng Năm năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 2.687,0 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng tháng năm trước. Trong đó: Vốn Nhà nước đạt 548,3 tỷ đồng, tăng 12,5%; vốn ngoài Nhà nước đạt 1.921,9 tỷ đồng, giảm 5,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 216,8 tỷ đồng, gấp 2,2 lần.

Tính chung lại, tổng vốn đầu tư thực hiện 5 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 12.447,5 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Vốn Nhà nước đạt 2.355,3 tỷ đồng, tăng 4,2%; vốn ngoài Nhà nước đạt 9.038,3 tỷ đồng, giảm 3,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.053,9 tỷ đồng, gấp 2,2 lần.

Một số dự án, công trình có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn trong tháng Năm năm 2024 là:

- Khu vực đầu tư công: Dự án xây dựng CSHT khu du lịch sinh thái Tràng An và các dự án thành phần ước đạt gần 70,9 tỷ đồng; dự án xây dựng trường Đại học Hoa Lư (giai đoạn 2) ước đạt gần 24,4 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1) ước đạt 15,0 tỷ đồng; dự án đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng chuyên dùng cho Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình ước đạt 12,4 tỷ đồng; dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ước đạt 10,6 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 và kết nối quốc lộ 10 với quốc lộ 12B ước đạt 10,0 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 12B đến trung tâm thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn ước đạt 9,7 tỷ đồng;…

- Khu vực sử dụng vốn ODA: Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ - Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ước đạt 20,0 tỷ đồng.

- Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài: Dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất, mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất camera module của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 73,5 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy sản xuất các công cụ, dụng cụ cao cấp CIBON Ninh Bình của Công ty TNHH Công nghiệp CIBON Việt Nam ước đạt 38,5 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị sản xuất hàng may mặc của Công ty TNHH Great Global International 35,5 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất giày của Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam ước đạt 16,5 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất giày của Công ty TNHH Ever great Internation ước đạt 13,5 tỷ đồng;…

Một số dự án, công trình được khởi công mới trong tháng như: Dự án kè kênh, kết hợp mở rộng đường giao thông liên thôn từ Đại Sơn đi Thanh Thượng xã Ninh Hòa với tổng mức đầu tư là 30,0 tỷ đồng; Tu bổ tôn tạo di tích lịch sử khu vực núi Kiếm Lĩnh, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn với tổng mức đầu tư là 18,1 tỷ đồng; dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Phù Sa, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô với tổng mức đầu tư 22,7 tỷ đồng;…

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng Năm tiếp tục diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

4.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng Năm ước đạt gần 6.295,0 tỷ đồng, tăng 19,0% so với tháng 5/2023. Tính chung lại cả 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hoá toàn tỉnh đạt trên 33.031,2 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Có 11/12 nhóm hàng hóa có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó một số nhóm đạt mức tăng cao như: Lương thực, thực phẩm ước đạt 12.553,6 tỷ đồng, tăng 33,8%; hàng may mặc 1.690,5tỷ đồng, tăng 37,2%; vật phẩm văn hóa giáo dục 179,8 tỷ đồng, tăng 39,8%; gỗ và vật liệu xây dựng 7.338,9 tỷ đồng, tăng 29,5%; xăng, dầu các loại 3.179,2 tỷ đồng, tăng 36,2%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 290,2 tỷ đồng, tăng 38,4%; hàng hóa khác 455,2 tỷ đồng, tăng 38,2%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 1.545,9 tỷ đồng, tăng 37,1%... Duy nhất nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) do nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm nên doanh thu lũy kế 5 tháng đầu năm ước tính đạt gần  2.212,3 tỷ đồng, giảm 7,4%.

Ước tính doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống trong tháng 5 năm 2024 đạt gần 789,0 tỷ đồng, tăng 27,0% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 7,2 tỷ đồng, tăng 54,9%; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt 519,5 tỷ đồng, tăng 14,0%. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống thực hiện trên toàn tỉnh ước đạt trên 3.864,7 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt trên 42,9 tỷ đồng, gấp 5,6 lần; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt trên 2.530,3 tỷ đồng, tăng 11,5%.

4.2. Chỉ số giá

Tiếp đà tăng của tháng Tư, chỉ số giá tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ chung (CPI) trên địa bàn tỉnh trong tháng Năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng, cụ thể: So với tháng trước CPI tăng 0,38%, so với tháng 12 năm trước CPI tăng 1,79% và so với cùng tháng năm trước CPI tăng 5,09%. Tính chung lại CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,40% so với cùng kỳ năm 2023.

So với tháng trước, giá các nhóm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn biến chủ yếu theo chiều hướng tăng. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 07  nhóm có chỉ số giá tăng, duy nhất 01 nhóm có chỉ số giảm và 03 nhóm giữ chỉ số ổn định. Các nhóm có chỉ số giá tăng lần lượt gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với mức tăng 1,22% tác động nhiều nhất làm tăng CPI chung, trong đó: Nhóm lương thực tăng 0,77% do giá gạo tăng 0,97% theo giá gạo xuất khẩu, cùng với giá lương thực chế biến tăng 1,47% khi giá nhóm mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 2,40%; nhóm thực phẩm tăng 1,74% nguyên nhân chính do giá thịt lợn tăng cao 7,3% khi giá thịt lợn hơi thu mua tăng trong bối cảnh giá lợn giống tăng cao, chi phí thức ăn chăn nuôi cũng tăng trở lại kéo theo giá nhóm nội tạng động vật tăng 5,47% và giá nhóm thịt chế biến tăng 2,77%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,02%. Tiếp theo, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,45% do nhóm nhà ở tăng 0,17% khi giá cát, thép tăng cùng với giá điện sinh hoạt tăng 1,70% do trong tháng thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt của người dân tăng; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,29%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,15%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,08%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,07% và nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%. Duy nhất nhóm giao thông giảm 1,81% do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm trong tháng, so với tháng trước, giá xăng giảm 4,75%, giá dầu diezel giảm 5,07% kéo theo giá nhóm nhiên liệu giảm 4,64%. Ba nhóm giữ chỉ số giá ổn định là: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,40% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đều có chỉ số giá tăng, cụ thể: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,43% (lương thực tăng 19,65%, thực phẩm tăng 5,29%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,44%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,47%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 5,41%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,99%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,27%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,74%; nhóm giao thông tăng 2,49%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,04%; nhóm giáo dục tăng 2,82%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,42% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,61%.

Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ: Chỉ số giá vàng tháng Năm tăng 1,81% so với tháng trước, tăng 23,68% so với tháng 12/2023 và tăng 34,44% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng này tăng 1,31% so với tháng 4/2024, tăng 4,55% so với tháng 12/2023 và tăng 7,58% so với tháng 5/2023. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 24,49%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,01%.

4.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Xuất khẩu: Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh trong tháng Năm ước thực hiện 302,9 triệu USD, tăng 15,6% so với tháng Năm năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.390,0 triệu USD,  tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Camera và linh kiện ước đạt 352,4 triệu USD; giày dép các loại 350,1 triệu USD; xi măng và clanke 254,3 triệu USD; quần áo các loại 130,1 triệu USD; linh kiện điện tử 55,4 triệu USD, linh kiện phụ tùng ô tô các loại 53,7 triệu USD...

Năm tháng đầu năm nay, một số mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ như: Hàng thêu ren 76,5 nghìn chiếc, tăng 45,0%; kính quang học 927,1 nghìn chiếc, tăng 33,2%; linh kiện điện tử 55,4 triệu USD, tăng 43,0%; đồ chơi trẻ em 10,2 triệu con, gấp 2,8 lần; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 53,7 triệu USD, tăng 78,4%; túi nhựa 940,7 tấn, gấp 2,7 lần... Tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu lại giảm sút so với cùng kỳ như: Dứa, dưa chuột đóng hộp 3,1 nghìn tấn, giảm 15,6%; nước dứa cô đặc 426 tấn, giảm 36,4%; quần áo các loại 23,1 triệu chiếc, giảm 9,1%; xi măng và clanke 6,3 triệu tấn, giảm 12,7%; camera và linh kiện 79,9 triệu sản phẩm, giảm 14,4%; phân ure 14,3 nghìn tấn, giảm 56,3%; thảm cói 22,6 nghìn m2, giảm 55,3%; sản phẩm cói khác 549,1 nghìn sản phẩm, giảm 8,9%... Một số mặt hàng tuy giảm về số lượng nhưng lại tăng về giá trị xuất khẩu như: Quần áo các loại, camera và linh kiện, sản phẩm cói khác.

Nhập khẩu: Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trong tháng Năm ước thực hiện gần 257,5 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng tháng năm 2023.

Tính chung lại, 5 tháng đầu năm nay tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 1.214,9 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá các nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện điện tử 406,6 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 329,5 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 251,6 triệu USD; vải may mặc các loại 52,2 triệu USD; máy móc thiết bị 12,2 triệu USD.

4.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

          Vận tải hành khách: Ước thực hiện trong tháng Năm đạt trên 4,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 17,8% so với tháng 5/2023 và luân chuyển trên 190,2 triệu lượt khách.km, tăng 14,3%. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khối lượng hành khách vận chuyển thực hiện toàn tỉnh ước đạt gần 22,1 triệu lượt khách, tăng 23,4% và luân chuyển gần 1.029,5 triệu lượt khách.km, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải đường bộ ước đạt 17,7 triệu lượt khách, tăng 26,8% và 1.012,6 triệu lượt khách.km, tăng 21,7%; vận tải đường thủy nội địa 4,4 triệu lượt khách, tăng 11,3% và 16,9 triệu lượt khách.km, tăng 9,3%.

Vận tải hàng hóa: Trong tháng Năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển toàn tỉnh ước thực hiện gần 13,0 triệu tấn, tăng 17,4% và luân chuyển trên 1.724,4 triệu tấn.km, tăng 17,8% so với cùng tháng năm trước. Tính chung cả 5 tháng, khối lượng hàng hoá vận chuyển toàn tỉnh đạt gần 71,0 triệu tấn, tăng 25,0% và luân chuyển gần 9.429,6 triệu tấn.km, tăng 24,3% so với 5 tháng đầu năm 2023. Trong đó: Vận tải đường bộ ước đạt 25,9 triệu tấn, tăng 24,7% và 1.053,8 triệu tấn.km, tăng 20,1%; vận tải đường thủy nội địa 40,3 triệu tấn, tăng 24,3% và 5.801,9 triệu tấn.km, tăng 21,7%; vận tải biển 4,8 triệu tấn, tăng 33,4% và 2.573,9 triệu tấn.km, tăng 32,8%.

Doanh thu vận tải: Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải toàn tỉnh thực hiện trong tháng này ước đạt trên 1.543,8 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng tháng năm trước. Tính trong 5 tháng đầu năm, doanh hoạt động vận tải ước đạt trên 8.378,5 tỷ đồng, tăng 22,9% so với 5 tháng đầu năm 2023. Trong đó phân theo loại hình vận tải: Vận tải hành khách ước thực hiện 1.029,5 tỷ đồng, tăng 23,3%; vận tải hàng hóa 6.513,9 tỷ đồng, tăng 23,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải 778,4 tỷ đồng, tăng 19,6%; bưu chính chuyển phát 56,7 tỷ đồng, tăng 16,6%.

4.5. Hoạt động du lịch

Ước tính số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng đạt 729,8 nghìn lượt khách, tăng 52,9% so với cùng tháng năm trước, chia ra: Khách trong nước 626,8 nghìn lượt, tăng 40,5%; khách quốc tế 103,0 nghìn lượt, gấp 3,3 lần. Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 180,9 nghìn lượt khách, tăng 86,2%; số ngày khách lưu trú ước đạt 194,4 nghìn ngày khách, tăng 43,4%. Doanh thu du lịch trong tháng ước đạt 714,6 tỷ đồng, tăng 48,0%.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 5.666,7 nghìn lượt khách, tăng 36,1% so với 5 tháng năm 2023, chia ra: Khách trong nước 5.051,1 nghìn lượt khách, tăng 27,4%; khách quốc tế 615,6 nghìn lượt, gấp 3,1 lần. Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.032,7 nghìn lượt khách, tăng 82,9%; số ngày khách lưu trú ước đạt 1.130,2 nghìn ngày khách, tăng 58,0%. Doanh thu du lịch 5 tháng ước đạt trên 5.337,5 tỷ đồng, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu lưu trú 382,2 tỷ đồng, tăng 42,7%; doanh thu ăn uống 2.625,6 tỷ đồng, tăng 48,3%.

5. Một số vấn đề xã hội

5.1. Giáo dục, đào tạo

Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm, xét công nhận hoàn thành cấp học tiểu học, tốt nghiệp THCS; tổ chức tổng kết năm học và lễ ra trường cho học sinh cuối cấp; tập trung chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và tổ chức ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi THPT quốc gia năm 2024…. Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024, ngành Giáo dục tổ chức triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, ban hành các hướng dẫn về tổ chức kỳ thi, xây dựng kế hoạch ôn tập, bám sát đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng giáo dục học sinh lớp 9 năm học 2023-2024.

Tham dự, đạt được thành tích trong các cuộc thi, hội thi như: Tham dự vòng chung kết Kỳ thi Olympic Tin học Miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ V, năm 2024, có 16 thí sinh tham gia dự thi, kết quả đạt 03 giải Vàng, 01 giải Bạc, 06 giải Đồng, 06 giải Khuyến khích; tham dự Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI, cấp quốc gia năm 2024, Dự án Hệ thống phát hiện và cảnh báo điểm mù trên xe ô tô tải của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy đạt giải Nhì; tham dự Hội thi Đình Trạng Nguyên Tiếng Việt: Đoàn tuyển Ninh Bình gồm 16 học sinh lớp 4, lớp 5 đều đạt giải trong đó có 01 giải Tiến sỹ , 04 giải Nhì, 08 giải Ba và 03 giải Khuyến khích; tham dự cuộc thi Olympic Sinh học Mỹ USABO năm 2024, em Hoàng Thế Anh, học sinh lớp 11 chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy đạt Huy chương Bạc.

Bên cạnh đó, tổ chức thành công cuộc thi Tin học THCS cấp tỉnh, có 30/53 học sinh tham dự đạt giải, gồm: 02 giải Nhất, 05 giải Nhì, 14 giải Ba và 09 giải Khuyến khích; tổ chức  Chung kết cuộc thi Câu lạc bộ Toán tuổi thơ cấp tỉnh, có 113/188 học sinh  đạt giải, gồm: 06 giải Nhất, 26 giải Nhì, 44 giải Ba và 37 giải Khuyến khích; tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII năm 2024 và lựa chọn vận động viên có thành tích cao tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp khu vực và toàn quốc.

Tổ chức tuyên dương, khen thưởng thành tích học sinh giỏi năm học 2023-2024 cho 71 học sinh đoạt giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT ( gồm 01 giải Nhất, 14 giải Nhì, 35 giải Ba và 21 giải Khuyến khích); 285 học sinh giỏi THPT cấp tỉnh; 61 dự án đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh; 01 dự án Khoa học kỹ thuật đoạt giải triển vọng Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia; 08 học sinh đoạt giải Olympic Toán học dành cho học sinh THPT chuyên năm 2024; 16 học sinh đoạt giải tại vòng chung kết Kỳ thi Olympic Tin học miền Trung - Tây Nguyên lần thứ V, năm 2024 và 53 giáo viên tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2023-2024.

 5.2. Hoạt động y tế [1]

Trong tháng, ngành Y tế đã chủ động giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp bệnh truyền nhiễm, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân; tổ chức phun hóa chất đảm bảo vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh phục vụ Lễ hội Hoa Lư năm 2024; lễ Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

 Trong tháng, một số bệnh truyền nhiễm có trường hợp mắc tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: 01 trường hợp ho gà, 02 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 25 trường hợp mắc tay - chân - miệng, 54 trường hợp mắc thủy đậu, 07 trường hợp viêm gan vi rút. Bên cạnh đó, ghi nhận 02 ổ dịch sốt xuất huyết với tổng cộng 02 ca mắc. Các ổ dịch đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định.

Công tác khám chữa bệnh luôn được quan tâm thực hiện: Tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh đã khám bệnh cho 107,5 nghìn lượt bệnh nhân; điều trị nội trú cho 15,7 nghìn lượt; khám phụ khoa 2,8 nghìn lượt; khám thai 5,9 nghìn lượt; đặt dụng cụ tử cung 261 ca, triệt sản 10 ca.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng không phát hiện người nhiễm HIV mới, số bệnh nhân HIV tử vong là 02 người.

5.3. Văn hoá thông tin

Hoạt động Văn hóa - Thông tin trong tháng diễn sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, thiết thực chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước và địa phương, như: Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới; kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); kỷ niệm 138 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2024); kỷ niệm 70 năm  ngày Giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024). Các hoạt động văn hóa được tổ chức đa dạng như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm ảnh...

Trong tháng, Nhà hát Chèo đã tổ chức 20 buổi biểu diễn nghệ thuật và chương trình ca múa nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân. Trung tâm văn hóa tỉnh đã tổ chức 47 buổi chiếu phim lưu động phục vụ khán giả tại một số địa phương trong tỉnh. Thư viện thực hiện luân chuyển 53,7 nghìn lượt sách báo, tạp chí phục vụ trên 15,5 nghìn lượt bạn đọc. Bảo tàng tỉnh hướng dẫn và đón tiếp 375 lượt khách tham quan.

5.4. Thể dục thể thao

Trong tháng, các đoàn vận động viên tham gia thi đấu đạt 39 huy chương các loại, gồm 13 HCV, 11 HCB và 15 HCĐ. Trong đó: Tham dự giải Vô địch Karate Đông Nam Á tại Thái Lan đạt 03 HCV, 03 HCB và 02 HCĐ; tham dự Giải vô địch Kurash quốc gia lần thứ VI năm 2024 tại Sóc Trăng đạt 01 HCV và 01 HCĐ; tham dự giải Toàn quốc Vật tự do - Cúp 15/5 lần thứ III dành cho thanh thiếu nhi năm 2024 tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh đạt 03 HCV và 02 HCB.

Bên cạnh đó, tổ chức thành công các trận bóng đá hạng nhất quốc gia trên sân vận động tỉnh và tổ chức thành công một số giải thể thao quần chúng như: Giải chạy bộ Marathon "Dấu ấn Di sản 2024"; giải Bóng bàn các câu lạc bộ - Cúp Liên đoàn Bóng bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024; giải Bóng đá nam đoàn viên công đoàn ngành Y tế năm 2024; Hội thi thể thao công nhân viên chức lao động thành phố Ninh Bình năm 2024 ...

5.5. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội[2]

Trong tháng, lực lượng công an trong tỉnh đã chủ động nắm và kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; huy động tối đa lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trong dịp nghỉ lễ 30/4- 01/5; Lễ Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.... Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, tốc độ; tập trung đấu tranh, xử lý mạnh các nhóm thanh, thiếu niên điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng có biểu hiện đua xe trái phép trên địa bàn thành phố Ninh Bình; tổ chức lực lượng ứng trực, phân luồng, điều tiết giao thông tại các nút giao thông và các tuyến đường trọng điểm như QL1A, QL10, Tràng An …, nhằm đảm bảo giao thông luôn được thông suốt, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông.

 Tính từ ngày 15/4/2024 đến ngày 14/5/2024 toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 07 người và 11 người bị thương; đã xảy ra 37 vụ phạm pháp hình sự; phát hiện 13 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý với 14 đối tượng; không xảy ra cháy nổ./.



[1] Theo Báo cáo kết quả hoạt động y tế tháng 5/2024 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2024 của Sở Y tế

[2] Số liệu vê tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là số liệu từ 15/4/2024 đến 14/5/2024.





CÁC BÀI KHÁC


330634

37
38
330634